Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn như tăng trưởng, lạm phát, nhu cầu đều ở mức thấp; tỷ lệ thất nghiệp, nợ công rủi ro tăng cao; vấn đề an ninh phi truyền thống và thách thức mang tính toàn cầu ngày càng nhiều..., Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, để hướng tới cộng đồng chung vận mệnh cần phải kiên trì hợp tác cùng thắng, cùng phát triển, duy trì an ninh chung ở khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên khai mạc.
|
Dựa trên cách tiếp cận kiên trì hợp tác cùng thắng để tạo dựng tương lai mới của châu Á, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết, Bắc Kinh sẽ không bao giờ đi chệch khỏi con đường phát triển hòa bình. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng ký kết thêm nhiều hiệp ước hữu nghị với các nước láng giềng và đề xuất tổ chức đối thoại giữa các nền văn minh châu Á. Đồng thời cho rằng, đã đến lúc phải loại bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh và những khái niệm an ninh mới cần được khuyến khích trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm con đường để đảm bảo an ninh của châu lục.
Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam lần này cũng đánh dấu sự khởi động “Năm hợp tác hải dương Trung Quốc – ASEAN” với tôn chỉ tạo không khí hoà bình và xây dựng, hoá giải bất đồng, tăng cường nhận thức chung, thúc đẩy hợp tác biển trong khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Với tôn chỉ này và cam kết “Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang khẩn trương xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các đại biểu tham gia Diễn đàn hy vọng, chính quyền Bắc Kinh sẽ thực hiện đúng cam kết hợp tác với ASEAN và các nước thành viên của Hiệp hội chung tay xây dựng một cộng đồng chính trị, kinh tế, văn hóa; nỗ lực đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
Phiên thảo luận về an ninh biển tại khu vực trong khuôn khổ BFA.
|
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc BFA, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, ông luôn ủng hộ tìm ra các giải pháp hòa bình cho các vấn đề an ninh trong khu vực.
Tổng thống Widodo đã nhiều lần nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế, nhưng Jakarta vẫn muốn là “bên trung gian trung thực” trong việc giải quyết một trong những tranh chấp gai góc nhất của châu Á.