Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn chính sách và kinh tế EU-ASEAN năm 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 208 tỷ euro (trên 270 tỷ USD) năm 2012 và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU.

 Ngày 18/4, tại trụ sở Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra Diễn đàn cấp cao Chính sách và Kinh tế Liên minh châu Âu-ASEAN (EU-ASEAN), do tổ chức Global Europe, Ban thư ký ASEAN, Phái đoàn đại diện thường trực EU tại ASEAN phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer của Đức, Trung tâm nghiên cứu Habibie Center và Tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia tổ chức.

Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu là các quan chức ngoại giao, chính phủ, học giả đến từ 48 nước, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN, 27 nước thành viên EU, 11 nước từ các khu vực khác trên thế giới và đại diện nhiều tổ chức ở Indonesia, khu vực và quốc tế.

Diễn đàn chính sách và kinh tế EU-ASEAN năm 2013 - Ảnh 1
 
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Julian Wilson, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực EU tại ASEAN, Đại sứ EU tại Indonesia và Brunei nêu rõ EU và ASEAN là hai tổ chức khu vực lớn trên thế giới và là đối tác tự nhiên của nhau khi cùng chia sẻ các mục tiêu chung cho công dân của mình là hòa bình, an ninh, thịnh vượng và cùng cam kết tiếp cận đa phương trong giải quyết các vấn đề.

Ông Wilson cho biết EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 208 tỷ euro (trên 270 tỷ USD) năm 2012 và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cùng với các đối tác đối thoại khác, EU đã cùng với ASEAN hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề cùng quan tâm và lợi ích chung về an ninh quốc tế, trên cơ sở đối thoại xây dựng và tham vấn thông qua xây dựng lòng tin và ngoại giao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Wilson nhấn mạnh rằng EU và ASEAN có nhiều tiềm năng hợp tác và sự hợp tác chặt chẽ lâu nay trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và đầu tư giữa đôi bên cần được tăng cường và mở rộng sang các các lĩnh vực chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu và động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chuyển từ Phương tây sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phần mình, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết ASEAN đang chuyển dịch nhanh với sự nhất trí của các nước thành viên trong các chương trình và sáng kiến nhằm hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trên ba trụ cột là các Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội.

Trong quá trình kết nối và hội nhập này, ASEAN luôn duy trì và khẳng định vai trò trung tâm của mình trong khu vực, tăng cường hợp tác với các đối tác đối thoại và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tổng thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh Diễn đàn Chính sách và Kinh tế EU-ASEAN là cơ hội cho EU và ASEAN chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng cộng đồng trong tiến trình kết nối và hội nhập, tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn công, nâng cao nhận thức và hiểu biết lẫn nhau của hai khu vực, nhất là trong giới hoạch định chính sách và khu vực tư nhân.

Theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, bất chấp những khó khăn và thách thức to lớn mà EU và ASEAN đang phải đối mặt, kể cả trong quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu, các mối quan hệ EU-ASEAN trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội và kinh tế đang ngày càng được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn.

EU đã tích cực hỗ trợ ASEAN thông qua một loạt chương trình như ARISE (thúc đẩy hội nhập khu vực) trị giá 15 triệu euro giai đoạn 2012-2015, chương trình ECAP III (về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) trị giá 4,5 triệu euro giai đoạn 21010-2014, chương trình nâng cao năng lực đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN trị giá 5 triệu euro giai đoạn 2012-2016 trong lĩnh vực kinh tế; chương trình quản lý biên giới và di cư ASEAN trong lĩnh vực chính trị-an ninh; chương trình EU-Sher (hỗ trợ giáo dục đào tạo) trị giá 10 triệu euro giai đoạn 2013-2017, và chương trình READY (thúc đẩy các sáng kiến đối thoại EU-ASEAN) trị giá 4 triệu euro giai đoạn 2011-2014 trong lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Tổng thư ký Lê Lương Minh khẳng định việc ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba ngoài châu Âu của ASEAN, sau Mỹ và Trung Quốc, và EU là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN hiện nay, cùng với các chương trình hợp tác nói trên sẽ là những nền tảng quan trọng cho sự tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa giữa đôi bên trong tương lai.

Diễn đàn cấp cao Chính sách và Kinh tế EU-ASEAN là cơ hội cho hai bên chia sẻ và tập trung vào những kinh nghiệm trong tiến trình kết nối và hội nhập của mình, thảo luận về các mối quan hệ song phương trong trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi, các chương trình và triển vọng hợp tác của các mối quan hệ EU-ASEAN trong kỷ nguyên mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và tham vấn về các mô hình ASEAN trên các khía cạnh thương mại, đầu tư và cạnh tranh; triển vọng và trở ngại của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015; các bài học hội nhập EU cho ASEAN; tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đối với ASEAN; những vấn đề của ASEAN trước sự hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình dương, Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định Quan hệ đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Cộng đồng Kinh tế Đông Á và Cộng đồng Đông Á; tiến trình đàm phán FTA giữa EU và các nước thành viên ASEAN; các rào cản phi thuế quan, an ninh lương thực và năng lượng, tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư song phương; cơ hội mới cho mối quan hệ EU-ASEAN với sự chuyển đổi chính trị và kinh tế của Myanmar; kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2013-2017; tiềm năng và cơ hội của nhân tố EU trong vấn đề an ninh châu Á: xây dựng chính sách và chiến lược dài hạn cho sự gắn kết EU với qúa trình hội nhập kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho chương trình hỗ trợ ASEAN năm 2013 của EU trong Kế hoạch hành động Bandar Seri Begawan, nhằm tăng cường hợp tác khu vực, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Đông Á đang định hình; đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống mang tính toàn cầu; thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế hướng tới một thị trường chung ASEAN; liên kết và thiết lập mạng lưới các trường đại học ASEAN; nâng cao năng lực về mặt thể chế của các cơ quan ASEAN, trong đó trước hết là Ban thư ký ASEAN.

Theo thống kê của ASEAN, trong giai đoạn 2008-2010, EU chiếm tới 21% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN, so với các mức tương ứng 17% của ASEAN, cùng 10% của Mỹ và Nhật Bản, 6% của Trung Quốc và 4% của Hàn Quốc.

EU-27 cũng chiếm 10% tương đương 208 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2.042 tỷ USD trong cùng kỳ của ASEAN, so với các mức tương ứng 519 tỷ USD (25%) của nội khối ASEAN, 231 tỷ USD (11%) của Trung Quốc, 204 tỷ USD (gần 10%) của Nhật Bản và 186 tỷ USD (9%) của Mỹ.

Còn theo EU (số liệu năm 2011), khối này gồm 27 nước thành viên, dân số 500 triệu người, mức tăng dân số 0,2%, GDP 16.000 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 32.000 USD, trong khi các con số tương ứng của ASEAN là 10 nước, 600 triệu người, 1,2%, 2.200 tỷ USD, và 3.600 USD.