Kinhtedothi - “Quá trình hội nhập sẽ dẫn đến nhiều sự chuyển đổi, thậm chí nhiều chuyển đổi đau đớn. Song, sự vươn mình và thay đổi tư duy này sẽ mang lại quả ngọt” - đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên năm 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN” tổ chức ngày 1/12.
Thành công bước đầu
Năm 2015 là một năm quan trọng đối với Việt Nam trong hội nhập toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) và tham gia sâu vào sân chơi ASEAN khi Cộng đồng kinh tế chung thành lập vào cuối năm 2015. Hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng thương mại cũng như tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đơn cử, với TPP, xuất khẩu (XK) của Việt Nam có thể tăng gần 30% khi Hiệp định được thực thi và GDP đến năm 2025 có thể tăng 10%; Trong khi với EVFTA, GDP có thể tăng hơn 15% và giá trị XK sang EU có thể tăng gần 35%. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên 6,5%. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển” - Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Kyle F. Kelhofer đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm. Môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.
Chuẩn bị hành trang hiện thực hóa cơ hội
Thừa nhận việc hội nhập sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, tuy nhiên, các DN trong và ngoài nước đồng tình rằng, việc hiện thực hóa các cơ hội này như thế nào còn phụ thuộc vào nỗ lực của các cấp quản lý và chính bản thân DN. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam cần một lực lượng DN đủ lớn và có sức cạnh tranh, song khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém, DN tư nhân vẫn còn đơn độc. Yếu kém của khối DN tư nhân xuất phát từ yếu kém về công nghệ, quản trị và nguồn nhân lực. Theo các tổ chức tài chính và nhà đầu tư nước ngoài, để phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần khai thác cơ hội để thúc đẩy khu vực DN sáng tạo nhằm tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển môi trường kinh doanh, gắn kết giữa các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng và cải thiện khả năng cạnh tranh của DN, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, kiến tạo một thị trường lao động linh hoạt, có trình độ hơn để khuyến khích môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh, giúp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Kề vai cùng doanh nghiệp
Tham dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ghi nhận những đóng góp của cộng đồng DN và các nhà đầu tư. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2015 có nhiều biến động phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực và rõ nét. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của DN, thời gian qua, Việt Nam đã sửa đổi nhiều quy định để phù hợp hơn với thực tế hoạt động của DN.
Cho rằng trong năm 2016, các cơ quan Nhà nước còn phải làm nhiều việc để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, chất lượng hơn, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho DN, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung giải quyết những nút thắt về thể chế. “Hơn lúc nào hết, Chính phủ mong muốn được kề vai sát cánh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoạch định chính sách phù hợp và sát thực với nhu cầu của DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN vượt qua thách thức, phát triển bền vững, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN
|
Theo ước tính, năm 2015, Việt Nam có khoảng 94.000 DN thành lập mới. Đây là năm có số DN thành lập mới lớn nhất từ trước đến nay. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Thử thách khắc nghiệt với doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là thử thách khắc nghiệt, đồng thời cũng là cơ hội của DN. Vì thế, bản thân các DN cần năng động, biết nắm bắt thời cơ, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt lên để phát triển. Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam Sherry Boger: TPP mới chỉ là lời hứa Sau 5 năm đàm phán và gần 10 ngày thảo luận nước rút, quá trình đàm phán TPP đã kết thúc thành công vào ngày 5/10/2015. TPP mang lại nhiều kỳ vọng và cơ hội, tuy nhiên, hiệp định này vẫn chỉ là lời hứa chứ chưa là một thực tế. Mỗi quốc gia tham gia TPP có quy trình thủ tục riêng để Hiệp định được phê chuẩn. Theo kỳ vọng của các quốc gia thành viên thì TPP có thể được ký kết vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, Việt Nam cần phải chuẩn bị các phương án để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các cam kết trong TPP. Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam Shimon Tokuyama: Quy định rõ chính sách ưu đãi sản xuất ô tô Sau khi hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN cho ngành công nghiệp ô tô được gỡ bỏ vào năm 2018, chúng tôi mong rằng các chính sách ưu đãi đối với sản xuất trong nước, mà chủ yếu là hỗ trợ về tài chính sẽ được quy định rõ để DN ô tô có thể tiếp tục sản xuất tại Việt Nam. |