Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điên đầu chuyện chồng nhậu dịp cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tết đến dường như đã trở thành lý do rất hợp lý cho chuyện tụ tập nhậu xả hơi của các ông chồng.

KTĐT - Tết đến dường như đã trở thành lý do rất hợp lý cho chuyện tụ tập nhậu xả hơi của các ông chồng. Họ cứ hồn nhiên nâng ly, chén chú chén anh, chúc tụng, tán phét trên bàn nhậu mà quên mất rằng còn có một người phụ nữ ở nhà đang chịu ấm ức vì vất vả lo toan, thiếu sự giúp sức của chồng.

Năm hết Tết đến, trong khi các bà vợ quay cuồng với việc công sở, đón con, tranh thủ từng li đi mua sắm bịch nọ túi kia chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài thì các ông chồng dường như rủ nhau trốn hết vào một hũ, gọi là cái hũ “nhậu tất niên”.

Chị Hồng (Trung Hòa, Nhân Chính) than thở: “Cứ làm như mình lão ấy có cơ quan. Mình cũng đi làm, nhưng hễ nghe mọi người hô hào tiệc tùng liên hoan là phải tìm cớ thoái thác, hoặc kiếu về sớm còn bao nhiêu việc ở nhà, rồi con cái, rồi sắm sửa Tết nhất. Đằng này lão chồng, năm nào cũng như năm nào, từ trước ông Công ông Táo đã gióng rằng sẽ phải đi nhậu với cơ quan này cơ quan nọ, giao lưu cuối năm giữa các phòng ban, rồi nội bộ phòng nhậu với nhau, rồi hội tennis, hội bida… đủ cả. Quanh năm đã nhậu, cuối năm càng có cớ để nhậu!”.

Thảo My (Cầu Giấy) mới lấy chồng được 3 tháng cũng ấm ức: “Vợ chồng son mà những ngày này anh ấy toàn để em một mình ăn cơm tối với bố mẹ chồng, anh ấy thì bận nhậu. Bực nhất là đã hẹn trước rằng cuối tuần chở em đi mua quà Tết biếu hai bên bố mẹ, nhưng đùng cái anh ấy cho em leo cây. Tối nay về thế nào cũng chân nam đá chân chiêu đấy!”.

Tết đến dường như đã trở thành lý do rất hợp lý cho chuyện tụ tập nhậu xả hơi của các ông chồng. Họ cứ hồn nhiên nâng ly, chén chú chén anh, chúc tụng, tán phét trên bàn nhậu mà quên mất rằng còn có một người phụ nữ ở nhà đang chịu ấm ức vì vất vả lo toan, thiếu sự giúp sức của chồng.

Đem cái ấm ức của chị em đến hỏi cánh mày râu, chẳng biết nên lắc đầu hay thông cảm. Anh Thắng (Cửa Nam) bộc trực: “Khổ lắm, biết là các bà ấy giận, nhưng bản thân anh em chúng tôi cũng có sướng gì đâu. Công việc của tôi hay phải đi quan hệ, ngày nào cũng nhậu, sáng ra đầu nhức, mình đau ê ẩm. Tết đến chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng nào có yên. Cứ thấy ai gọi đi là giật mình thon thót ấy…”.

Hỏi đã vậy sao không ở nhà? Anh Hiếu (Mỹ Đình) trợn mắt: “Sao thế được, toàn đối tác quan trọng. Cả năm mới có một cái Tết không “chăm sóc” nhau tận tình lại khó làm ăn. Mà ngay cả khi nhậu với bạn bè, mình trốn, nó nói cho là sợ vợ, ê mặt lắm”.

Chị Trà lấy chồng đã 7 năm thì cũng đến 6 năm đối mặt với cảnh chồng nhậu lu bù những ngày giáp Tết. Chị chia sẻ: “Trước cũng bực mình lắm. Sau nghĩ rằng nên thông cảm một chút cho chồng. Đàn bà giàu đức hy sinh chứ đàn ông mấy khi từ bỏ được các mối quan hệ xã hội. Vợ chồng mình thống nhất, những ngày cuối năm, mình không cản anh ấy đi, bù lại anh ấy phải biết chừng mực, giữ gìn sức khỏe, không để về nhà say bét. Cuộc nhậu nào không cần thiết nên hủy. Đến giờ về vợ “ý tứ” nhắn tin thì lựa hướng mà rút, vợ đỡ bực mình mà chồng cũng không đến nỗi… ê mặt vì bị gọi”.

Cách giải quyết của chị Trà xem ra cũng có hướng hay, dễ áp dụng với những ông chồng biết điều, nhưng gặp phải chồng… “chí phèo”, không chịu hợp tác thì coi như vô hiệu. Bởi thế vẫn còn cảnh vợ chồng cuối năm hậm hực nhau, cơm không lành canh không ngọt.
 
Xét cho cùng, đây là thời điểm nhạy cảm nhất trong năm, vợ bận bịu lo toan chu toàn cho cái Tết gia đình, dễ bị cảm giác tủi thân, bực bội nếu chồng không giúp sức, chỉ biết bê tha. Trong khi chồng lại chịu áp lực của quan hệ xã hội nặng nề hơn nên không thể thoái thác việc nhậu. Tốt hơn hết vợ chồng nên tìm cách dung hòa. Ví dụ các ông ngoài thời gian buộc phải đi nhậu hãy tìm cách chia sẻ, gánh vác việc nhà với vợ, tranh thủ tạt qua trường đón con về cho vợ trước giờ nhậu, chịu trách nhiệm mua cây ngày Tết; cuối tuần cùng vợ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thay bóng đèn, trèo thang quét mạng nhện - những việc vợ có muốn cũng không dễ gì làm nổi… Được như thế, các ông có đi vợ cũng không nói gì, vì họ đã mát lòng mát dạ với sự cống hiến của chồng trước đó.