KTĐT - Xu hướng 3D hóa đang diễn ra trên toàn thế giới và lan sang cả lĩnh vực điện thoại, nhưng giới quan sát nghi ngờ khả năng công nghệ này có thể trở thành nhân tố "thay đổi cuộc chơi" tiếp theo trên thị trường smartphone.
Hai điện thoại 3D mới nhất đang được trưng bày tại triển lãm CTIA (Mỹ) là HTC EVO 3D và LG Optimus 3D (tên gọi tại Mỹ là Thrill). Cả hai đều là những thiết bị có cấu hình mạnh với màn hình hỗ trợ 3D không cần kính. Tuy nhiên, song song với sự tò mò là băn khoăn: Liệu người ta có thực sự cần xem nội dung 3D trên màn hình quá bé? Đây có phải là tính năng "cần phải có" tiếp theo trong điện thoại thông minh giống màn hình cảm ứng đa điểm, khả năng quay video HD, giắc cắm 3,5 mm...?
Điện thoại 3D bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ cuối năm 2010 với Sharp Lynx 3D, được phân phối qua hãng Docomo của Nhật. Sản phẩm có màn hình 3,8 inch 800 x 480 pixel còn LG Optimus 3D cũng có độ phân giải tương tự nhưng trên màn hình 4,3 inch. HTC EVO 3D được trang bị màn hình tốt nhất: QHD 4,3 inch. QHD viết tắt của Quarter High Definition (bằng 1/4 chuẩn Full HD 1080p hoặc bằng 3/4 chuẩn 720p), tức có độ phân giải 960 x 540 pixel với tỷ lệ 16:9.
Trong công nghệ màn hình, số điểm ảnh có ý nghĩa quan trọng. Hình ảnh trên Lynx 3D trông hơi nhiễu và phẳng, khiến hiệu ứng 3D không rõ ràng. Optimus 3D tốt hơn nhưng chưa đến mức làm cho người ta trầm trồ. EVO 3D sắc nét và hiệu ứng 3D rõ ràng hơn cả.
Để tránh việc đòi hỏi người sử dụng phải đeo kính, cả ba smartphone tích hợp một lớp chất liệu đặc biệt đặt bên trên màn hình. Về cơ bản, lớp này chứa những ô nhỏ cho phép mỗi mắt thấy một dải pixel khác nhau, tạo cảm giác ảnh nổi lên bề mặt.
Điểm yếu của phương pháp trên là để quan sát hiệu ứng 3D, mắt người xem phải thẳng với màn hình. Chỉ cần chệch một góc nhỏ, hình ảnh sẽ rất mờ. Giữ điện thoại đúng vị trí để xem ảnh hay clip ngắn không quá khó, nhưng nếu xem video dài, người sử dụng sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Chức năng thú vị nhất trên Optimus 3D và EVO 3D là chụp ảnh và quay video ba chiều (Lynx chỉ có thể chụp ảnh tĩnh 3D) nhờ được trang bị camera với 2 ống kính 5 megapixel và 2 đèn flash. Tuy nhiên, người dùng khó có thể chia sẻ sang thiết bị 2D thông thường khác.
Trong bài viết "Xin đừng sản xuất điện thoại 3D", trang công nghệ Gizmodo giải thích: "Lý do công nghệ 3D ra đời là vì nó giúp người xem cảm thấy như họ đang ở đó, như đang chứng kiến trực tiếp các hành động. Bởi vậy, về mặt logic, màn hình 3D phải lớn để người xem có thể đắm mình trong không gian đó. Còn 'đắm mình' trong màn hình 4 inch thì có khác nào bạn đánh răng với cái đinh ba. Có 2 yếu tố khiến 3D được đánh giá cao: kích cỡ hình ảnh (tạo cảm giác như thật) và nội dung hấp dẫn. Điện thoại 3D thiếu cả hai thứ đó. Vậy nên, dù xu hướng 3D là tất yếu, điện thoại 3D sẽ chỉ là trò hề".