Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện thoại di động và dấu hỏi văn minh

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi chọn cho mình chiếc ghế ở hàng cuối cùng trên chuyến xe buýt từ Nam Thăng Long về Bến xe Yên Nghĩa.

Đoạn đường khá dài để tôi nhận ra: Toàn bộ hành khách, trừ người lái xe, đều chìm trong thế giới “ảo” mà chiếc điện thoại di động mang lại.
Thói quen không vận động cùng công nghệ

Hơn chục năm trước, ai sở hữu một chiếc điện thoại di động dù chỉ có chức năng nghe - gọi - nhắn tin, cũng đã là “oách”. Thế mới có chuyện người ta để chuông điện thoại như loa phát thanh, khi chuông đổ thì ngạo nghễ bắt máy, nói oang oang cho cả thiên hạ biết dù ở bất cứ nơi đâu, trong hội nghị, cuộc họp, thậm chí cả ở… đám ma. Bây giờ, điện thoại tràn ngập và đủ mọi chức năng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), riêng 3 tháng đầu năm 2017, người Việt chi tới gần 20.000 tỷ đồng mua smartphone. Chiếc điện thoại không còn là vật dụng “hiếm có khó mua”, song cách người ta ứng xử với điện thoại hình như vẫn không khác xưa là mấy.

Chụp ảnh tự sướng là trào lưu của giới trẻ hiện nay. Ảnh: Trần Dũng

Một hiện tượng phổ biến hiện nay, nhất là ở những đô thị lớn, người nào người nấy dường như bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại. Họ sử dụng điện thoại ở mọi nơi, mọi lúc: Trong hội nghị, cuộc họp, trên bàn gặp gỡ, trong quán ăn, trong cả lúc xem tivi... Chỉ cần đến một hội thảo, có thể thấy rất nhiều người chăm chú vào chiếc điện thoại cá nhân, mặc kệ diễn giả đang mê mải trình bày tham luận. Tại các cuộc họp, nhiều khi mặc kệ thủ trưởng cơ quan một mình một diễn đàn, nhân viên chăm chăm lướt facebook, like dạo, đăng ảnh, xem báo điện tử. Trong các cuộc gặp gỡ, mọi người quây quần bên bàn cà phê, nhưng ai cũng theo đuổi thế giới của riêng mình. Điều này khiến những người không bị hút vào những chiếc smartphone bối rối. Thay vì người khác, chính họ trở nên lạc lõng, khi rơi vào tình trạng người nói… không cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia.

Rồi ở những không gian văn hóa chung là các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Rạp Hồng Hà… Những nơi đó thường có quy định không quay phim chụp ảnh, nhưng do quá phấn khích trước một tiết mục nào đó, hoặc đơn giản là nhu cầu muốn được khoe lên mạng xã hội một hoạt động trong ngày của mình, mà không ít khán giả mặc kệ quy định để “tự sướng” hoặc chụp choẹt, ghi hình. Không khó để bắt gặp ở chính những không gian ấy những ánh mắt khó chịu của khán giả nước ngoài khi thấy khán giả Việt không tôn trọng những quy tắc ứng xử nơi công cộng đó. Còn ở những nơi không có dòng chữ “cấm quay phim chụp ảnh”, thì thay vì thưởng thức trực tiếp chương trình, người ta đồng loạt giơ điện thoại lên ghi hình. Khán giả phía sau đành ngậm ngùi tiếp cận không gian sân khấu qua… một rừng cánh tay giơ lên và một rừng điện thoại đang thắp sáng.

Những lời nhắc thường ngày

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Ban tổ chức đưa ra quy định: Mọi người tắt máy, hoặc để chế độ rung cho điện thoại. Bất kỳ ai để chuông điện thoại đổ sẽ phải nộp phạt tại chỗ. Họ thành lập ngay tại hội thảo một quỹ từ thiện dành cho trẻ em khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Số tiền thu được từ những vi phạm này sẽ sung vào quỹ đó.

Những người tham dự hội thảo có vẻ coi thường trước quy định đó, cho đến khi có tiếng chuông điện thoại lảnh lót vang lên và người của Ban tổ chức bê chiếc hộp sung quỹ đến tận chỗ người vi phạm thu tiền. Và trong ngày hôm đó, quỹ từ thiện đã thu được một số tiền kha khá để quy đổi thành những vật phẩm hữu ích tặng trẻ vùng cao theo một chương trình thiện nguyện. Thật ra, những phương pháp kiểu như thế này chỉ hạn chế được tiếng chuông điện thoại làm ngắt quãng diễn giả, chứ không thể ngăn người ta rời mắt và rời tay di, bấm trên chiếc điện thoại di động, cũng không ngăn được người ta thả tâm trí vào một thế giới nào đó mà chiếc điện thoại đang dẫn dụ. Song, chí ít đó cũng là một lời nhắc về việc cách ứng xử với chiếc điện thoại nơi công cộng.

Cũng phải nói rằng, dấu hỏi văn minh trong cách ứng xử với điện thoại di động cũng đã được nhận ra nơi đô thị trong buổi giao lưu hội nhập và công nghệ phát triển hiện nay. Thế nên có thể thấy không chỉ ở bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim… có những quy định nhắc tên điện thoại di động, các nhà trường yêu cầu phụ huynh không cho học sinh sử dụng điện thoại khi đến trường, mà trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đều có những lời nhắc có thể gọi là thường nhật cho người Hà Nội. Ở đó nhắc khá cụ thể: “Giữ gìn trật tự, hạn chế dùng điện thoại di động” tại bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; rồi: “Không đeo tai nghe, bật nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc”… Rõ ràng, ứng xử văn minh với điện thoại là cách người ta dùng điện thoại như một công cụ hỗ trợ tiện ích đời sống, chứ không phải để chiếc điện thoại điều khiển mình.

“Alo” nơi công sở - chuyện không nhỏ

Ở thời smartphone lên ngôi, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay những chiếc điện thoại di động chỉ vẻn vẹn: Nghe – gọi – nhắn tin. Thế nên chả trách được “dân công sở” toàn iPhone, Galaxy Note… đa chức năng để như thu nhỏ thế giới và nhu cầu giải trí vào trong tầm tay. Nhưng chính cách ứng xử với vật dụng nho nhỏ ấy nơi công sở, tưởng là chuyện nhỏ mà cũng lắm điều phải nói.

Không hiếm để bắt gặp tiếng chuông điện thoại lanh lảnh réo giữa không gian “lặng như tờ” của phòng họp, phòng làm việc đang giờ “vào ca”. Người sơ ý quên không tắt chuông trước khi vào làm việc, và có cả người vô ý mặc kệ cho điện thoại thản nhiên reo giữa lúc ai nấy đang tập trung cho công việc. Đấy là chưa kể thời công nghệ, nhiều người còn cài cho mình những kiểu chuông “độc”, mà khiến ai cũng phải chú ý. Không chỉ đơn thuần là các bản nhạc rap, rock, một câu hát, mà còn là những câu kiểu như hiệu lệnh, tiếng reo…, thôi thì “trăm hoa đua nở”, mọi thứ theo ý thích của người dùng. Chả thế mà giữa phòng họp của công ty Đ.D, ai nấy đều bất ngờ vì câu réo rắt: “Bẩm cụ! cụ có điện thoại ạ!”. Người ta cười vì tiếng chuông hài hước, cười cả vì chủ nhân của tiếng chuông ấy vô duyên.

Lại có người điện thoại réo gọi, nhưng vì không muốn nghe số máy đó, nên thản nhiên lẳng điện thoại ra bàn cho thả sức kêu. Không khí làm việc bị phá tan vì tiếng chuông điện thoại bất thường ấy, thế mà chủ nhân vẫn chẳng hề hấn, ngồi lầm bầm: “Gọi mãi!”. Chẳng hiểu điện thoại tiện ích, hiện đại để làm gì, mà chủ nhân chẳng “nỡ” bấm phím ngắt tiếng cho bớt ảnh hưởng đến mọi người? Rồi lại có người tắt chuông đấy, nhưng ngồi giữa phòng làm việc mà nói chuyện cứ như… ở giữa nhà mình. Đồng nghiệp nhíu mày khó chịu, có người lấy tai nghe lắp vào để làm việc tiếp…, nhưng hình như mấy hành động đó chưa đủ để thay một lời nhắc với người đang “tiếng nói át cả tiếng bom” kia.

Lại lắm cô nàng như thể mắc bệnh “nghiện” điện thoại. Đang giờ làm việc mà cứ nhoay nhoáy nhắn tin, chat chít với bạn bè. Chuông để nho nhỏ, thậm chí chẳng để chuông, nhưng cứ dăm ba phút lại cầm điện thoại lên, hoặc cúi xuống bàn lướt phím điện thoại. Chợt hỏi, công việc làm được bao nhiêu với cái phong cách hành chính ấy ở nơi công sở? Có những chàng, nàng ý tứ hơn, mỗi khi có điện thoại thường đi ra ngoài hành lang nghe, không để mọi người bị ảnh hưởng vì những chuyện riêng tư của cá nhân. Thế nhưng, một buổi sáng chạy ra hành lang nói chục cuộc điện thoại thì đã có thể gọi là hết buổi sáng hay chưa?...

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các phòng làm việc của các ngân hàng như BIDV, Techcombank, VCB… đều yêu cầu nhân viên không được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc. Nhiều công ty lại có quy định chung chung “Giữ gìn trật tự nơi công cộng”, nhưng thực chất là lời nhắc lịch sự khi nói cười, sử dụng điện thoại nơi công sở. Nhưng xét cho cùng, quy định có được thực hiện hay không đều nằm ở ý thức của người sử dụng điện thoại. Chuyện “alo” nơi công sở, tưởng rất nhỏ nhặt, nhưng là cả một câu chuyện văn hóa, cần sự để tâm của mọi người.

Phú Gia