Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn tiến bất ngờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tỷ lệ 78/86 phiếu thuận, Quốc hội nước CH tự trị Crimea thuộc Ukraine đã bỏ phiếu quyết định ly khai khỏi Ukraine và nhất trí "sáp nhập vào Liên bang Nga". Diễn tiến bất ngờ này đã tạo ra bước ngoặt mang tính quyết định đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Lựa chọn của Crimea

Quyết định sáp nhập vào nước Nga là sự thống nhất của Quốc hội Crimea nhằm phản đối tình hình bất ổn tại Kiev nhưng người dân nước CH tự trị này vẫn có quyền lựa chọn tương lai vẫn sẽ thuộc Ukraine hay ly khai để trở thành một phần của Liên bang Nga. Tuy nhiên, dường như giới chức của Crimea đã xác định và quyết tâm theo đuổi con đường "hướng Đông" của mình khi đẩy thời gian tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới, sớm hơn nhiều so với lịch dự kiến ban đầu vào ngày 25/5 (trùng với ngày tổ chức bầu cử Tổng thống sớm của Ukraine). 
Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov tuyên bố chính phủ Crimea sẽ không thương lượng                           với chính phủ mới thành lập tại Kiev.         Ảnh: RIA
Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov tuyên bố chính phủ Crimea sẽ không thương lượng với chính phủ mới thành lập tại Kiev. Ảnh: RIA
Diễn biến này phần nào gạt bỏ đi nỗi lo lắng của những người Nga hiện đang sống tại Crimea. Đồng thời cũng đánh dấu thêm một chương mới trong lịch sử đầy biến động của bán đảo xinh đẹp này. Crimea vốn là một phần lãnh thổ của Nga hồi cuối thế kỷ XVIII khi Moscow đánh bại những người Tatar cho tới khi các nhà lãnh đạo Liên Xô trao bán đảo lại cho Ukraine năm 1954. Nhưng ảnh hưởng của Nga tại Crimea vẫn hiện hữu khi Moscow được phép tiếp tục duy trì hoạt động của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol .

Ngay sau khi yêu cầu của Quốc hội Crimea được gửi tới Tổng thống Nga V.Putin, người đứng đầu Điện Kremli đã nhóm họp bất thường với Hội đồng An ninh để thảo luận về tình hình Ukraine. Nếu ông Putin chấp nhận "thỉnh cầu" này, hành động can thiệp vào tình hình Crimea dù thể hiện dưới hình thức và mức độ nào đi nữa cũng được coi là hợp pháp.

Nỗ lực dàn xếp

Trước diễn biến trên, chiều 6/3, Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine được tổ chức tại Brussels (Bỉ) với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) và tân Thủ tướng Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk. Cuộc họp chủ yếu nhằm thống nhất quan điểm và thái độ của EU với Moscow, tuy nhiên khả năng trừng phạt kinh tế đã bị gạt bỏ do châu Âu đang phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Đồng thời bàn thảo về kế hoạch hỗ trợ tài chính lên tới 11 tỷ USD cho Ukraine vừa được công bố trong bối cảnh EU vẫn đang gặp khó khăn về nguồn tiền. Cuộc gặp thứ 4 của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong vòng ít ngày qua diễn ra sáng 7/3 nhiều khả năng sẽ chỉ đạt được sự đồng thuận ít ỏi về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine.

Như vậy, sau nước cờ đầy bất ngờ của Nga tại Crimea, Quốc hội nước CH tự trị này đã tiến thêm một bước trong kịch bản ly khai khỏi Ukraine. Chỉ có điều để Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga mà không mất một viên đạn hay không vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ vì chính quyền mới tại Kiev và đồng minh chưa chắc đã chịu ngồi yên nhìn Moscow một mình dàn xếp cuộc chơi.