Dưới đây là một số điểu cần chú ý khi trời nắng nóng:
Uống nhiều nước
Khi nhiệt độ lên tới 39-40 độ C, theo các bác sỹ, cơ thể cần được bổ sung chất lỏng liên tục, mỗi người nên uống nhiều nước và tránh đồ uống quá lạnh. Nếu là lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ.
Khi vận động thân thể, khả năng tạo nhiệt tăng gấp năm lần bình thường, làm cạn nguồn dự trữ nước của cơ thể. Do đó, nếu trời nóng nực, tốt nhất nên giảm mức vận động, rút ngắn thời gian luyện tập và uống nước nhiều hơn trong lúc luyện tập.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Quan tâm tới bữa ăn
Các bác sĩ cho rằng một khi không muốn ăn khi thời tiết nắng nóng thì không nên cố ép mình. Hoàn toàn có thể lập ra một chế độ ăn kiêng. Nếu thời tiết oi ả kéo dài thì cần phải tìm "sự thỏa hiệp", ví dụ nên ăn trái cây, rau, cà chua, cà tím, dưa chuột, thay thịt bằng thủy sản. Món cá muối rất tốt vì giúp phục hồi lượng muối cho cơ thể khi ra mồ hôi nhiều, nhưng những người bị bệnh tim và thận không nên ăn món này.
Không nên uống các loại chất lỏng có chứa cồn hay quá nhiều chất đường bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước.
Khi thời tiết oi bức, thức ăn bị ôi thiu rất nhanh, do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Vì vậy, không nên sử dụng đồ ăn sẵn bày bán tại các quầy hàng ở vỉa hè. Không nên để những thức ăn dễ bị ôi thiu ngoài tủ lạnh quá bốn giờ.
Mồ hôi túa ra mang theo muối và các khoáng chất trong cơ thể. Đây đều là những chất rất cần thiết và phải được bổ sung ngay. Có thể uống các loại nước uống dành cho tập luyện thể thao để bổ sung muối và khoáng chất cho cơ thể.
Những món ăn nên sử dụng vào buổi trưa nóng nực như: súp rau thịt, canh củ cải đỏ nguội (củ cải đỏ có tác dụng giảm huyết áp và làm giàu thành phần máu), súp cà chua váng sữa, súp rau và khoai tây.
Chọn trang phục phù hợp
Nắng gay gắt sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát của cơ thể và gây mất nước. Nó cũng là “thủ phạm” gây ra các nguy hại cho làn da. Nếu buộc phải ra ngoài, nhớ đội mũ rộng vành, đeo kính râm và bôi kem chống nắng có độ SPF từ 15 trở lên từ trước khi ra khỏi nhà khoảng 30 phút.
Vào ngày nóng, không nên dùng đồ lót bằng sợi tổng hợp và quần áo bó sát người. Đồ lót bằng sợi tổng hợp tạo nên một môi trường tốt để cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, còn quần áo chặt bó sát người gây khó thở và làm rối loạn trao đổi nhiệt của cơ thể.
Nếu đến phòng làm việc với chiếc áo đẫm mồ hôi mà ngay lập tức ngồi dưới máy điều hòa thì rất dễ bị sổ mũi, nặng hơn là bị viêm rễ thần kinh và viêm phổi.
Chú ý cường độ làm việc
Nếu làm việc ngoài trời, lưu ý không làm việc từ 11h trưa đến 14h chiều. Nghỉ ngơi trong bóng mát thời điểm này sẽ giúp cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ để thích ứng.
Nên bắt đầu công việc với cường độ chậm rồi tăng dần. Nếu ráng sức dưới cái nóng, sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Và khi có cảm giác thở hổn hển thì cần phải ngừng ngay mọi hoạt động. Đi vào chỗ râm mát và nghỉ ngơi ngay.
Ngay cả trong những ngày nắng nóng nhất cũng không nên để nhiệt độ máy điều hoà dưới 180C. Cách tốt nhất là để nhiệt độ chênh lệch giữa phòng làm việc với nhiệt độ bên ngoài không quá 100C.
Không phải ngẫu nhiên tất cả mọi người đều thích đi nghỉ mát vào mùa hè. Làm việc trong thời gian này kém hiệu quả (người ta đã chứng minh được rằng ở mức 260C trở lên, nếu nhiệt độ không khí tăng một độ C thì khả năng làm việc của con người giảm khoảng 10%). Vì vậy, chớ nên làm việc tám giờ mỗi ngày khi nhiệt độ không khí từ 310C trở lên.
Chọn chỗ mát
Ở trong nhà và nếu có thể thì nên ở trong môi trường có điều hòa. Nếu ở nhà không có điều kiện thì nên đi tới các trung tâm thương mại hay thư viện công cộng. Chỉ cần vài giờ trong môi trường này là đủ giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt trước khi quay trở lại với cái nóng khó chịu.