Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh để tăng trưởng bền vững

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã trình Quốc hội về dự kiến kế hoạch năm 2017. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%.

Dự kiến này xuất phát từ tăng trưởng GDP trong những năm qua, đặc biệt là việc đánh giá sơ bộ năm 2016.
 Ảnh minh họa
Sau khi rơi xuống đáy vào năm 2012 (5,24%), tăng trưởng kinh tế đã nỗ lực thoát đáy vượt dốc đi lên và năm 2015 - năm cuối kế hoạch 5 năm và cuối nhiệm kỳ Đại hội XI đã đạt “đỉnh” (6,68%) trong thời kỳ 2011 - 2015. Năm 2016, tăng trưởng GDP cao lên qua các quý, nhưng tính chung 9 tháng đã tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,93% so với 6,32%), chủ yếu do tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng thấp (0,65%) và ngành khai khoáng bị giảm tương đối sâu (3,6%). Từ thực tế này, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ước tính GDP cả năm nay chỉ tăng 6,3 - 6,5% (Năm 2015 mức tăng này là 6,68% và không đạt được mục tiêu tăng 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội). Vấn đề đặt ra là các yếu tố liên quan trong năm 2017 sẽ diễn ra như thế nào?
Về vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, Chính phủ ước tính cả năm 2016 đạt 32,5% - cao hơn tỷ lệ của thời kỳ 2011 - 2015 (31,7%). Kỳ vọng này xuất phát từ nhiều yếu tố. Công cuộc khởi nghiệp được khởi xướng và đẩy mạnh từ 2016, nhất là các DN đăng ký thành lập mới, các DN quay trở lại hoạt động. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 có thể đạt kỷ lục mới. Các DN Nhà nước được cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán, tiếp tục thoái vốn. Giá vàng giảm, giá USD ổn định sẽ có sức thu hút lượng vàng, ngoại tệ còn tồn đọng trong dân cư... Về tiền tệ, tín dụng, nếu lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu (dưới 5%), nếu nợ xấu được xử lý thực chất và triệt để hơn..., thì lãi suất cho vay sẽ được hạ xuống, tăng trưởng tín dụng sẽ cao lên, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Đây là điều cần được làm tốt hơn trong năm 2017 để tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất cho vay thấp hơn.
Ở đầu ra, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được dự báo sẽ được cải thiện hơn so với năm 2016 khi mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Xuất khẩu tuy tăng chậm lại, nhưng với tốc độ tăng khoảng 6,5%, ước năm 2016 thu từ xuất khẩu, đạt 172,9 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 dự báo sẽ đạt 184 tỷ USD…
Từ thực tế trên, dự thảo kế hoạch năm 2017 cần xem xét lại để nâng chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP (từ 31,5% lên 33,1%), nâng chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu (từ 6 - 7% lên trên 8%), giảm thiểu tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (từ 3,5% xuống dưới 1%)... và quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, tốc độ tăng năng suất lao động, tăng tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)... Những đề xuất này nhằm tránh sự “cọc cạch” của chỉ tiêu kế hoạch.