Điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 15: Người bệnh giảm chi, bệnh viện giảm thu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai thông tư 15/TT-BYT về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó 70 danh mục được điều chỉnh giảm giá.

Điều này giúp người dân giảm chi phí khám chữa bệnh, song nguồn thu của các BV cũng giảm theo. Thông tư 15 được kỳ vọng sẽ phần nào kiểm soát trình trạng lạm dụng quỹ BHYT hiện nay.
Giảm giá 70 dịch vụ y tế

Theo thông tư 15, kể từ 15/7 tới, 88 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) sẽ được điều chỉnh giá, trong đó 70 dịch vụ giảm bao gồm giá khám bệnh, giường bệnh, và 30 DVKT và xét nghiệm; 9 dịch vụ tăng giá và bổ sung thêm 9 DVKT mới sẽ được BHXH thanh toán. Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, mục đích của Thông tư 15 là giải quyết những bất cập của Thông tư 37 trước đó. Theo đó, chỉ điều chỉnh các DVKT có tần suất chỉ định lớn, chi phí lớn như khám bệnh, giường bệnh và một DVKT liên quan đến chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, y học cổ truyền, phục hồi chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định DVKT. Ông Phúc phân tích, giảm giá khám bệnh sẽ ngăn chặn tình trạng các cơ sở y tế thu của người dân đến khám không nhằm mục đích chữa bệnh mà chỉ là kiểm tra sức khỏe thông thường. Hay như, nội soi tai mũi họng là DVKT tăng đột biến khi được tăng giá ở Thông tư 37 trước đó, tại Thông tư 15 giá dịch vụ này giảm mạnh nhất từ 203.000 đồng xuống 100.000 đồng. Đặc biệt, việc khống chế số lượt khám được thanh toán tại các bàn khám sẽ giảm tình trạng bác sĩ “khám nhanh, khám thần tốc”.
Nội soi tai cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Trần Nga
Giám đốc BV Đa khoa Hà Nam Đỗ Trung Đông cho rằng, Thông tư 15 có thêm 12 điều cụ thể hóa giúp các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc thanh toán BHYT được thuận lợi hơn và không phải bàn cãi thắc mắc như các thông tư trước đây. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá các DVKT thường xuyên sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của BV. “BV của chúng tôi là BV hạng 1, tiền khám trước đây theo Thông tư 37 là 39.000 đồng thì theo Thông tư 15 giảm xuống còn 33.000 đồng, kèm theo các DVKT thông thường cũng giảm giá, như vậy với 800 – 1.000 bệnh nhân khám một ngày thì nguồn thu giảm đi cũng không ít, phần nào tác động đến quá trình tự chủ của đơn vị” – ông Đông cho hay.

"Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ góp phần cân bằng quỹ BHYT đến năm 2020. Hy vọng rằng, giữa cơ quan BHXH và các cơ sở y tế sẽ cùng hợp tác triển khai Thông tư để đảm bảo quyền lợi của người bệnh." - Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn

Nhiều đại biểu cho rằng, được lợi nhất trong Thông tư 15 là y tế tuyến cơ sở. Cán bộ Trung tâm y tế huyện Yên Thành (Ninh Bình) Lại Tiến Thạnh chia sẻ, các phòng khám khu vực và trạm y tế xã sẽ được tính giường nằm, như vậy sẽ thuận tiện cho người bệnh. Trước kia, Thông tư 37 không có điều này nên người dân ở xa BV đến khám tại trạm y tế hay phòng khám khu vực chỉ được khám mà không thể nằm lại điều trị. Đây cũng là điều hợp lý với chủ trương nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở mà Bộ Y tế đang hướng tới.

Một số điều cần minh bạch

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc kiến nghị Bộ Y tế cần ban hành và công khai định mức kinh tế kỹ thuật để cơ sở y tế biết và thực hiện. Theo ông Phúc, có những định mức trước đây hầu như cơ sở y tế không biết và người bệnh cũng không biết mình đang thụ hưởng cái gì để họ có thể giám sát. Chẳng hạn, buồng bệnh có điều hòa hay không, quần áo bệnh nhân như thế nào, có đảm bảo thay 1 lần/ngày hay 3 ngày mới thay. Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí giường bệnh theo định mức nhân lực của từng cơ sở y tế cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhân lực hiện nay ở một số cơ sở khó khăn và hiệu quả hoạt động không cao, song cần phải đánh giá công bằng. “Không thể cùng thanh toán cho giường bệnh với giá 200.000 đồng cho một BV có định mức nhân lực 0,4 - 0,5 nhân viên y tế/gường bệnh và một BV đầu tư 1 đến 1,2 nhân viên y tế/giường bệnh. Như vậy, sẽ không thể giảm được việc kê giường bệnh tràn lan trong khi nhân lực có hạn” – ông Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế cần có chế tài xử lý đối với trường hợp thu thêm của bệnh nhân những chi phí đã kết cấu trong giá DVKT. Hiện nay, ở một số BV có những khoản thu thêm rất đáng báo động, người bệnh vào viện phải trả thêm khoản tiền lớn, gây ảnh hưởng quyền lợi người bệnh và tạo ra sự mất công bằng về chăm sóc y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần