Thời gian qua, một số tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây, Tây Nam Thủ đô thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng do lòng đường bị thu hẹp phục vụ thi công các công trình hạ tầng và quá tải lượng phương tiện.
Để đảm bảo lưu thông, giảm tối đa ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị (TTQL&ĐHGTĐT) xây dựng lại biểu đồ chạy xe của một số tuyến buýt, chủ động giảm tần suất, đổi lộ trình một số tuyến đi qua các trục Nguyễn Trãi – Trần Phú, Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy trong giờ cao điểm, thời gian điều chỉnh theo dự kiến sẽ kéo dài 3 tháng.
Giám đốc TTQL&ĐHGTĐT Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện trong giờ cao điểm có tới 134 chuyến buýt hoạt động, chuyên chở gần 17.000 hành khách/giờ tại 2 trục trọng điểm nêu trên. Việc điều chỉnh lộ trình, tần suất là bất đắc dĩ nhưng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang khẳng định: “Trên thực tế tần suất cả ngày không giảm, chỉ giãn cách nốt xe xa hơn trong giờ cao điểm, lộ trình chính không thay đổi chỉ đi vòng theo đường song song bởi một số điểm dừng chờ hiện nay trên đường Xuân Thủy, Nguyễn Trãi quá hẹp không đảm bảo ATGT khi dừng đỗ đón trả khách”.
Cũng theo ông Quang, việc thi công hầm chui Thanh Xuân tại ngã tư Khuất Duy Tiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán và tháo bỏ toàn bộ hàng rào, khi đó sẽ điều chỉnh lại thời gian chạy xe như cũ.
Tương tự, trên trục đường Xuân Thủy, việc điều chỉnh lộ trình xe buýt là cần thiết và hợp lý, bởi Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội xây dựng bằng vốn vay ODA, phải ưu tiên tiến độ để đảm bảo điều kiện giải ngân. Tuy nhiên, các hạng mục dưới thấp cũng sẽ sớm hoàn thành trước tết Nguyên đán, quá trình thi công hạng mục trên cao sẽ có thể thu hẹp đáng kể rào chắn, trả lại lòng đường cho người tham gia giao thông.
Trên thực tế, việc điều chỉnh lộ trình, tần suất xe buýt vào thời điểm này là cần thiết và hợp lý hơn cả. Bởi, xe buýt khi lưu thông phải liên tục dừng đỗ đón trả khách, dẫn đến ùn tắc nhất là tại các đoạn đường quá hẹp hay gần các nút giao lớn, khó tổ chức giao thông.
Bên cạnh đó, Sở GTVT, TTQL&ĐHGTĐT Hà Nội cũng khẳng định sẽ theo dõi sát sao, tính toán các dữ liệu hàng ngày để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp hơn nữa biểu đồ hoạt động các tuyến buýt nhằm giữ được lượng hành khách thường xuyên ổn định mà vẫn hạn chế ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. |
Thông tin điều chỉnh tần suất, lộ trình: tuyến số 02, 21, 22, 27, 39 thời gian giãn cách giữa các nốt tăng thêm 2 phút; tuyến số 16A, 16B, 27, 34, 49 đổi lộ trình, từ Trần Đăng Ninh đi sang Nguyễn phong Sắc – Trần Thái Tông – Tôn Thất Thuyết; tuyến số 35 đổi sang Liễu Giai – Đào Tấn – Nguyễn Phong Sắc; tuyến số 5 đổi sang Hàm Nghi – Nguyễn Cơ Thạch. |