Qua cuộc trao đổi trực tuyến giữa người dân, đại diện cơ quan quản lý và Petrolimex ngày 20/12 cho thấy, các bên vẫn chưa tìm được phương án giải quyết hiện tượng giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm.
Cân lên đặt xuống
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), một vấn đề quan trọng phải giải quyết để giá xăng trong nước bám sát diễn biến giá thế giới hiện nay là phải giảm thời gian tính giá bình quân xuống, phù hợp với tần suất giữa 2 lần điều chỉnh giá. Rất nhiều phương án đặt ra, và Cục quản lý giá đang tính khoảng 10 ngày thì phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới.
Mua bán xăng tại cửa hàng xăng dầu Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Tuy nhiên, "Bộ Công Thương lại quan tâm một số vấn đề khác là đảm bảo nguồn cung, dự trữ khi thị trường bất ổn" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: "Chúng ta phải có một lượng dữ trữ nhất định. Nguồn này đến từ đâu? Một là Nhà nước bỏ tiền ra. Hai là doanh nghiệp (DN) kinh doanh phải dự trữ. Trong tình hình hiện nay, nguồn lực Nhà nước có hạn, Nhà nước dự trữ không nhiều nên phải giao nhiệm vụ dự trữ cho DN trong 30 ngày. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường xăng, dầu gần đây, 30 ngày có thể không đảm bảo được an ninh năng lượng, Nhà nước đã tính đến khả năng dự trữ 45 ngày. Song điều này, vì nhiều lý do, rất khó thực hiện.
Ông Tú phân tích thêm: "Yêu cầu dự trữ 30 ngày nhưng không thể điều hành giá theo 10 ngày được. Vậy chúng ta chỉ có thể giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại. Với người tiêu dùng, điều quan trọng là phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng, dầu, sau đó mới tính tới việc có được giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số, không phải chỉ để giải quyết một vấn đề".
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn lại lo ngại, nếu tiếp tục tính giá bán lẻ theo thời gian dự trữ lưu thông sẽ không thể có giá thị trường. Hơn nữa, Việt Nam đang phấn đấu tăng dự trữ lưu thông lên 45 ngày thì khoảng cách giá trong nước với thế giới càng bị dãn ra.
Sẽ vẫn tăng nhanh, giảm chậm?
Giải thích thêm cho hiện tượng giá xăng, dầu trong nước không theo sát thế giới, ông Nguyễn Cẩm Tú bày tỏ, ta luôn bình ổn giá, để giá thấp hơn giá cơ sở. Năm 2008, Nhà nước đã bỏ ra 23.000 tỷ đồng để bù giá trực tiếp cho DN, nhưng theo Nghị định 84/2009/NĐ- CP khoản bù giá này không còn nên DN bị lỗ tích lũy. Đặc thù ở Việt Nam, giá xăng dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào động thái điều hành thuế và Quỹ bình ổn. Tuy gọi là công thức tính giá theo thị trường nhưng có quá nhiều biến số mà bản thân DN không chủ động được. Chẳng hạn, khi giá thế giới tăng, Nhà nước lại giảm thuế, xả Quỹ. Khi giá thế giới giảm, Nhà nước hồi phục nguồn thu bằng việc tăng thuế, dừng xả Quỹ hoặc tăng trích Quỹ nên DN cũng không chủ động tăng, giảm giá theo đúng biên độ giảm của giá thế giới.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, điều cần thiết là phải ổn định thuế. Nên xem thuế là nguồn để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá. Còn quy định 30 ngày, 20 hay 10 ngày đối với DN không quan trọng. Quy định này phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu điều hành giá xăng, dầu mà không phụ thuộc vào việc giá thế giới tăng nhanh hay chậm. Nếu không đánh giá kỹ điều này việc sửa đổi Nghị định sẽ không giải quyết triệt để được việc tăng nhanh, giảm chậm.
Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo, khi giá xăng dầu thế giới tăng, việc điều hành giá xăng, dầu phải cân nhắc tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khi sử dụng công cụ thuế, phí... Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá cần linh hoạt trên nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích người dân, DN và Nhà nước.