Điều hòa vốn tạo sức mạnh liên kết hệ thống

Thu Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò “Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)”, những năm qua Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam không chỉ là đầu mối giúp các QTDND điều hòa nguồn vốn, đẩy mạnh cho vay hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế địa phương, mà hơn thế Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn là điểm tựa vững chắc mỗi khi QTDND gặp khó khăn.

QTDND là loại hình tín dụng hợp tác hoạt động chủ yếu là huy động vốn tại chỗ để cho vay tại chỗ. Tuy nhiên, do quy mô hoạt động còn nhỏ, phạm vi hoạt động và năng lực tài chính còn hạn chế, để đảm bảo cho từng QTDND cũng như toàn hệ thống QTDND hoạt động ổn định và phát triển an toàn thì phải có Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam để thực hiện chức năng điều hòa vốn trong hệ thống, nhận tiền gửi từ các QTDND thành viên thừa vốn và cho vay các QTDND thành viên thiếu vốn với cơ chế điều hòa vốn linh hoạt, lãi suất điều hòa phù hợp, hợp lý; qua đó phát huy được sức mạnh của từng thành viên cũng như của cả hệ thống QTDND.
Điều hòa vốn tăng cường tính liên kết toàn hệ thống, góp phần tích cực hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Những năm gần đây, nguồn tiền gửi từ các QTDND dư thừa gửi tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tăng cao vì các QTDND huy động chưa cho vay được tạm thời gửi vào Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; trong khi đó, nguồn vốn tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng dư thừa nhiều, cho vay giảm (cho vay doanh nghiệp và cá nhân chỉ trong hạn mức tín dụng được NHNN cho phép) tạo áp lực về tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng như trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn điều hòa của các QTDND.
Có những thời điểm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phải chịu lỗ do nhận tiền gửi của các QTDND với lãi suất tiền gửi điều hòa cao hơn so với lãi suất tiền gửi huy động dân cư có kỳ hạn tương đương nhưng lại phải gửi liên ngân hàng với lãi suất thấp. Đây cũng là sự cố gắng nỗ lực hỗ trợ rất lớn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giúp cho hệ thống QTDND vượt qua những lúc khó khăn chung của nền kinh tế.

Để khắc phục tình trạng suy giảm cầu tín dụng của các QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động điều hành lãi suất linh hoạt, mở rộng hạn mức giao dịch liên ngân hàng với các TCTD, đẩy mạnh giao dịch mua bán Trái phiếu để tăng thanh khoản cho hệ thống. Đồng thời mở rộng tăng trưởng tín dụng ra nên kinh tế theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao và đúng định hướng ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung cho vay đối với các hộ gia đình, CBCNV là giáo viên nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phục vụ đời sống tại khu vực nông thôn.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tăng cường phát triển các sản phẩm dịch vụ theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và QTDND nhằm cung cấp các sản phẩm phù hợp, phục vụ thành viên và người dân trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh sản phẩm cho vay hợp vốn; đồng thời, luôn tư vấn cho các QTDND về công tác điều hành vốn, huy động vốn với kỳ hạn và lãi suất hợp lý, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng tín dụng, giảm bớt những rủi ro về kỳ hạn và lãi suất cho cả QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng thường xuyên theo sát, hỗ trợ vốn kịp thời với những QTDND có nhu cầu để mở rộng cho vay thành viên. Đặc biệt dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam luôn ấn định lãi suất cho vay trong hệ thống thấp hơn cho vay khách hàng Doanh nghiệp và cá nhân.
Không chỉ vậy, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn kịp thời cho vay để bù đắp khả năng chi trả đối với những QTDND tạm thời gặp khó khăn về thanh khoản giúp các Quỹ này vượt qua khó khăn, hoạt động trở lại bình thường. Với những QTDND gặp rủi ro, không chỉ hỗ trợ vốn mà Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ QTDND xử lý các vấn đề phát sinh nhằm giúp các Quỹ này nhanh chóng ổn định lại hoạt động.

Dù hiện nay các QTDND đã chủ động được nguồn vốn, song vào những lúc mùa vụ thiếu vốn, QTDND đều được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam điều hòa vốn kịp thời để hỗ trợ thành viên. Có thể khẳng định, thông qua cơ chế điều hòa vốn, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã phát huy vay trò đầu mối của mình, đồng thời tăng cường tính liên kết của toàn hệ thống và góp phần tích cực hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 5/8/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng” của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại tầng 4 - Tòa nhà N04, Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội với 32 Chi nhánh, 70 Phòng giao dịch.

Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được NHNN cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần