Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều không thể tránh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hành trình hôn nhân, hầu như vợ chồng nào cũng có đôi lần “chiến tranh lạnh”, và nhiều người thú nhận rằng nó mệt mỏi không thua gì những cuộc khẩu chiến.

Đàn ông sợ phụ nữ nói nhiều nhưng chính họ còn sợ hơn nếu người phụ nữ không nói gì. Họ sợ những cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình mặc dù nhiều lúc chính họ tham gia trong "cuộc chiến" ấy. Một người đàn ông than thở: “Mỗi khi vợ im lặng, tôi có cảm giác gia đình giống như địa ngục, chẳng muốn về nhà để không phải thấy bộ mặt đưa đám ấy. Hai người ở chung một nhà, ăn chung mâm mà mạnh ai cắm cúi ăn, con hỏi gì vợ cũng ngậm hột thị, không thể cạy miệng được nửa lời. Cần điều gì, cô ấy nhắn qua điện thoại hay chat. Không chỉ mình thấy ngộp thở mà con cái cũng thấy căng thẳng”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều khi “chiến tranh lạnh” còn xảy ra từ cả hai phía, không ai nói với ai lời nào, cuộc sống diễn ra trong im lặng hoặc nếu có thì là những câu rút ngắn với nội dung thông báo, thậm chí là những mảnh giấy ghi điều cần phải nói. “Hai người ở trong một nhà, mọi sinh hoạt chung mà lầm lũi như những con rùa, điều này còn khó chịu hơn hàng vạn những điều khó chịu khác”, một người chua cay. Thậm chí, trong cả những gia đình được coi là hạnh phúc cũng không phải không có những cuộc chiến như thế, vì hiếm có một gia đình nào vợ chồng hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống. Và điều đáng nói là, cái bầu không khí gia đình tẻ nhạt ấy nếu kéo dài, sẽ như những cơn sóng lòng ngày càng tăng lên, sẽ khiến bức tường ngăn cách dày thêm.

Bởi thế mới thấy, giao tiếp vợ chồng không chỉ là lời nói, mà cần phải nói với nhau nhiều, bằng nhiều phương cách để thông cảm, hiểu nhau hơn. Khi có bất kỳ một mâu thuẫn nào cần được giải quyết triệt để, đôi bên nên tránh kiểu thách thức hoặc trả đũa người bạn đời bằng thái độ lạnh nhạt. Những cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, càng để lâu, bản thân người trong cuộc càng cảm thấy ấm ức: Vợ không nhún nhường chồng, chồng không “hạ mình” trước vợ. Khi đó, từ thái độ giận dỗi, đôi bên chuyển sang chán ghét, thậm chí là coi thường, xa lánh nhau. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu chồng có tính gan lỳ, người vợ nên tránh so gan cùng chồng. Những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ ngọt ngào từ vợ có thể hóa giải mọi mâu thuẫn. Khi vợ chồng bình tĩnh, đôi bên sẽ cùng mổ xẻ vấn đề gây tranh cãi trong không khí hợp tác. Khi có xung đột, thay vì cùng làm mặt lạnh, người vợ nên tìm cách thổ lộ tâm tư để vợ chồng hiểu và gần gũi nhau hơn.

Người ta bảo im lặng là vàng nhưng những yên lặng trong một cuộc “chiến tranh” gia đình còn đáng sợ hơn cả những xô xát to tiếng. Đừng để bản thân vì thỏa mãn cơn tức tối mà đẩy gia đình mình vào tình trạng “chiến tranh lạnh diễn biến lâu dài”, gây ra ức chế về tâm lý cho cả hai bên và có nguy cơ đỗ vỡ.