Tuy nhiên, kể từ khi 5 tuyến xe điện bị dỡ bỏ, hệ thống xe buýt xuống cấp không được đầu tư dẫn đến việc người dân quay sang sử dụng xe máy khiến cho tình hình UTGT tại Hà Nội ngày càng trầm trọng. Trong giai đoạn 1986 - 2000, mỗi năm, hệ thống vận tải công cộng TP chỉ vận chuyển được khoảng 10 triệu lượt khách. Ngày càng thu hút người dân Ngày 18/2/1998, Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển GTCC TP Hà Nội đã tạo cú hích cho GTCC Thủ đô phát triển. Ngay sau khi có quy hoạch trên, UBND TP Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để đổi mới toàn diện GTCC của TP nhằm giảm UTGT và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, TP đã đầu tư đổi mới xe buýt, bỏ khoán doanh thu thay bằng khoán chất lượng dịch vụ, hợp nhất 4 doanh nghiệp vận tải tạo sức mạnh để tập trung điều hành. Nhờ những biện pháp mạnh mẽ trên nên xe buýt ngày càng thu hút được người dân, dẫn chứng rõ nhất là lượng khách đi xe tăng theo từng năm. Nếu năm 2001 chỉ có 15 triệu hành khách đi xe, thì đến năm 2003 có 48 triệu lượt khách, sau đó tăng dần từ 175 triệu khách lên 300 triệu lượt khách đi xe.
Tham gia giao thông bằng VTHKCC sẽ giảm được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. |
Có 4 nguyên nhân dẫn đến thành công trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt. Thứ nhất, là sự quan tâm từ Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, đã đầu tư tạo hành lang pháp lý cho xe buýt phát triển như: Đầu tư về phương tiện, hạ tầng đô thị cho VTHKCC; tạo hành lang pháp lý phát triển mạng lưới buýt, hệ thống vé liên thông tiện lợi cho hành khách; có chính sách ưu đãi về tài chính ổn định, trợ giá cho người dân sử dụng VTHKCC. Thứ hai, là sự đồng thuận của công luận: Hệ thống thông tin tuyên truyền đã cảnh báo nguy cơ UTGT do tăng trưởng phương tiện cá nhân và ủng hộ việc phát triển VTHKCC cũng như tuyên truyền vận động cư dân đô thị lựa chọn sử dụng xe buýt để "Kiềm chế tai nạn, giảm UTGT, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội". Thứ ba, là sự ủng hộ của người dân, bởi hành khách đi xe buýt chính là cư dân đô thị. Vì vậy, ngày càng có nhiều người dân lựa chọn sử dụng xe buýt là phương tiện đi lại trong đô thị. Thứ tư, là quyết tâm của doanh nghiệp, với việc không ngừng nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ, mạng lưới tuyến. Từ 13 tuyến buýt với khoảng 200 xe năm 2000, đến nay đã có trên 70 tuyến buýt với hàng ngàn xe buýt hoạt động liên thông, xóa "vùng trắng xe buýt" trong nội đô. Hệ thống hạ tầng buýt đã được đầu tư về điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ, tổ chức đường dành riêng ưu tiên xe buýt. Công tác quản lý điều hành buýt cũng từng bước được nâng cấp lên chuyên nghiệp, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin như: Hệ thống giám sát chất lượng GPRS; giám sát trật tự an ninh bằng Camera trên xe và các điểm chờ xe; hệ thống bảng hướng dẫn nhà chờ trên xe bằng đèn Led... Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông Có thể nói, việc VTHKCC bằng xe buýt liên tục phát triển trong 10 năm trở lại đây đã góp phần không nhỏ giảm tải tình trạng ùn tắc và TNGT, người dân đi lại được thuận tiện hơn, hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, hiện hệ thống VTHKCC bằng xe buýt đã phát triển đến ngưỡng. Do đó, để giải quyết bài toán giao thông đô thị Thủ đô Hà Nội giảm ùn tắc và TNGT, nâng tỷ lệ người sử dụng VTHKCC lên trên 13% thì không còn con đường nào khác là phải phát triển bền vững VTHKCC bằng việc đầu tư ngay vận tải khách khối lớn như BRT, xe điện ngầm, đường sắt nội đô... Quan trọng hơn, Nhà nước cần có chính sách tài chính, trợ giá ổn định lâu dài cho VTHKCC để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành BRT, xe điện ngầm, đường sắt nội đô, giảm gánh nặng ngân sách. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền về tính ưu việt của VTHKCC và nguy cơ gây mất an toàn, xung đột giao thông nếu tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân. Khi VTHKCC với nhiều loại hình được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo mạng lưới GTCC hoàn chỉnh giúp người dân đi lại được thuận tiện an toàn chắc chắn người dân sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để kéo giảm ùn tắc và TNGT một cách bền vững.