Giải Nhất sáng tác thơ cho tác phẩm "Nghĩ về cái cổng" của Lâm Thị Hà My (ĐH Bách khoa Hà Nội); giải Nhất trình diễn cho tổ khúc "Đất nước" và "Đất nước bên bờ sóng" (ĐH Văn hóa Hà Nội); giải Nhất đọc thơ Hồ Chí Minh cho "Cảnh rừng Việt Bắc" (ĐH KHXH&NV); Giải Nhất trưng bày thơ cho ĐH Bách khoa Hà Nội.
Có thể nói, Ngày thơ năm nay đã để lại cho công chúng ấn tượng tốt về đời sống của thơ trong những người trẻ. Nổi bật nhất là sự sáng tạo trong việc giới thiệu thơ ra trước công chúng.
9 nhà thơ trẻ trình diễn hai tổ khúc "Tổ quốc" và "Tình yêu" tại Ngày thơ Việt Nam 2013.
Nếu những năm đầu của Ngày thơ, các nhà thơ chỉ đọc hoặc ngâm thơ một cách thông thường, thì sau vài năm Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Quang Thiều, Thụy Anh… đã biết kết hợp thơ với âm nhạc hay múa trên sân khấu trình diễn.
Nhưng, đến mùa thơ năm nay, người xem mới thấy rõ "bước chân dài" của việc trình diễn thơ. Lần đầu tiên, một nhóm 9 nhà thơ thoát khỏi ràng buộc của văn bản, trình diễn thơ trên kịch bản được dàn dựng như một vở kịch mang tên tổ khúc "Tổ quốc" và "Tình yêu".
Dưới bàn tay "nhào nặn" khéo léo của hai nhà thơ Hữu Việt và Phan Huyền Thư, những tác phẩm độc lập, riêng biệt của 9 nhà thơ trẻ đã được lắp ghép, chắp nối theo một dòng chảy mềm mại mà vẫn bao trọn ý nghĩa. Phần trình diễn đã tạo được sức lay cảm mạnh mẽ cho người xem, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: "Sự sáng tạo này đã tập hợp được điểm sáng của những cái tôi, cái riêng cá nhân để tạo thành sức mạnh tổng hòa cho cái chung".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đào Nguyên, Viện Nghiên cứu Văn học khẳng định, hình thức trình diễn hai tổ khúc này sẽ mang đến làn sóng tiếp nhận thơ ca mới cho văn học Việt. Và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cũng cho biết, Hội sẽ quan tâm đầu tư hơn cho các tiết mục trình diễn thơ trong các mùa thơ những năm tới. Đây là điều mừng cho thơ Việt.