NBC đã vạch ra 6 thách thức mà ông Obama sẽ đương đầu lâu dài, nhưng cần có phương án giải đáp từ nay đến khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, bao gồm giảm chi tiêu công, bổ nhiệm các thành viên mới trong chính phủ và thực thi luật bảo hiểm y tế bắt buộc.
Một bài phân tích của Trong khi đó, đài CNN cho rằng có 5 việc ông Obama cần làm trong nhiệm kỳ tới là tìm chỗ đứng trong một thế giới Ả rập mới, giải quyết những thách thức về thâm hụt ngân sách và nợ công, thiết lập quan hệ tốt với Đảng Cộng hòa, lấp những lỗ hổng về thuế và xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.
Tất cả chỉ ra rằng những điều tốt đẹp có thể sẽ đến, nhưng hiên tại... chưa đến khi tổng thông Mỹ còn đang phải đối mặt với trùng trùng các vấn đề làm nản lòng đang chờ đợi người thắng cuộc làm.
Cuộc chiến còn tiếp diễn
Chiến thắng của Obama đồng nghĩa với việc sẽ nổ ra nhiều cuộc đối đầu kịch liệt hơn về các vấn đề thuế má và chi tiêu, cũng như dẫn đến tình trạng bế tắc tại một số lĩnh vực khác. Chiến thắng của Obama không thể làm thay đổi bầu tương quan chính trị tại Mỹ bởi vì phe Cộng hòa vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Phe Dân chủ của Obama sẽ kiểm soát Thượng viện, song số đảng viên ôn hòa của hai Đảng có mặt tại Đồi Capitol sẽ giảm.
Với một Quốc hội mới khóa 113 vẫn chia đều quyền cho hai đảng, 4 năm tới đối với ông Obama được xác định "vẫn còn một núi khó khăn", chưa kể những gì mà ông muốn làm liệu có qua nổi cửa ải quyền lực luôn bị bế tắc do các vụ đấu đá quyền lực như trong nhiệm kỳ đầu 2008-2012 hay không. Việc đạt được sự đồng nhất cho các điều luật sẽ khó khăn. Giáo sư sử học Julian Zelizer của trường Đại học Princeton nói: "Sự cạnh tranh hai đảng sẽ trở nên gay gắt hơn nữa sau cuộc bầu cử này. Tổng thống và các nhà lập pháp trong Quốc hội hoãn những quyết định quan trọng cho đến sau cuộc bầu cử, nhưng hiện nay chỉ còn một vài tuần lễ nữa là các vấn đề này cần phải giải quyết.
Tổng thống tái đắc cử Barack Obama hiện đang đứng trước một thách thức mới, khi phải đối mặt với “thế chênh vênh về ngân sách” – gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang tới 600 tỷ USD theo thỏa thuận giữa chính phủ và quốc hội Mỹ. Ông Obama sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức từ mức thâm hụt ngân sách thường niên 1.000 tỷ USD , món nợ công 16.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, những dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính, một quốc hội chia rẽ và việc cải tổ những chương trình xã hội tốn kém.
Nhà phân tích James M. Lindsay thuộc Ủy ban Đối ngoại Mỹ nói: "Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Obama phải đối mặt trong thời gian tới là vấn đề giới hạn thâm hụt ngân sách và tình hình tài chính của Mỹ. Nếu ông không thể tìm ra cách để giúp Mỹ trả hết nợ, các hậu quả trong dài hạn đối với Mỹ sẽ vô cùng lớn và nghiêm trọng". Hai vấn đề riêng biệt đang đe dọa Tổng thống là cắt giảm thuế cá nhân sẽ hết hạn vào cuối năm và hàng chục tỷ USD trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu đồng loạt toàn liên bang bắt đầu có hiệu lực ngay sau ngày đầu năm mới.
Rất có thể, "vách đá ngân sách" (fiscal cliff) có thể sẽ làm cho thị trường Mỹ bất ổn và đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái mới, gây tác động toàn cầu. Các chuyên gia ngân sách đảng Dân chủ nói rằng sau khi tái cử, Tổng thống Obama chắc chắn muốn đạt được một thỏa thuận với các nhà lập pháp ở đồi Capitol trước ngày 31/12, nếu không nước Mỹ sẽ có nguy rơi vào một đợt suy thoái trong sáu tháng đầu năm 2013.
Nước Mỹ vẫn đang vật lộn trong mớ bòng bong để tìm cách thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất 80 năm qua, và các giới chủ lao động mới chỉđang cung cấp được số việc làm đủ để theo kịp mức tăng trưởng dân số.
Chính sách ngoại giao hướng sang châu Á của ông Obama
Về chính sách đối ngoại, trong những tháng tới, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với việc giảm bớt sự liên quan của Mỹ vào cuộc chiến tranh dài nhất, chống lại Taliban tại Afghanistan, mà không phải để vùng này thành một nơi ngày càng nguy hiểm. Tổng thống Obama đã hứa đưa binh sĩ Mỹ về nước vào cuối năm 2014.
Việc tổng thống Obama đắc cử sẽ giúp cho chính sách đối ngoại nói chung và chính sách châu Á nói riêng của Mỹ đảm bảo được tính liên tục. Giới phân tích tình hình nhận định rằng, ông Obama sẽ tiếp tục chiến lược "chuyển trọng tâm sang châu Á -Thái bình dương”,xác định đây là khu vực gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21 -điều mà khu vực sôi động nhất thế giới này đang vừa trông chờ vừa cảnh giác. Các nước châu Á sẽ tiếp tục phải xử lý thách thức chiến lược bắt nguồn từ sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ tới Thái Lan và tham dự Hội nghị Đông Á tại Campuchia vào ngày 17-20/11, nhấn mạnh sự cam kết của ông với khu vực. Tác giả của chiến lược tái cân bằng ngoại giao của Mỹ tại châu Á được kỳ vọng sẽ có hội đàm song phương với các lãnh đạo khu vực bên lề cuộc hội nghị ở Campuchia. Hội nghị EAS lần thứ 7 này sẽ là một trong những hội nghị quan trọng nhất giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà lãnh đạo những cường quốc đứng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản khi mà mỗi nước đang trải qua những thay đổi quan trọng quyết định bởi các động lực trong và ngoài nước. Với ASEAN, ông Obama đại diện cho ý chí và cam kết "trở lại châu Á", coi châu Á là trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng cho biết nhân dịp chuyến đi tới châu Á lần này, ông Obama sẽ 'thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm triển vọng kinh tế và tạo việc làm thông qua tăng cường thương mại và hợp tác an ninh, nhân quyền, chia sẻ giá trị và các vấn đề khác trong mối quan tâm của khu vực và toàn cầu". Nếu có vị Tổng thống Mỹ nào hiểu biết và đánh giá cao về ASEAN thì đó là ông Obama. Trong 4 năm nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã phát triển mối quan hệ gần gũi và thân mật với hầu hết các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong thực tế, ASEAN đang nghĩ đến việc lập kế hoạch tổ chức một cuộc họp không chính thức với tân Tổng thống Mỹ.
Ông Thitinan Ponsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh Quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, phát biểu: “Chính phủ của Tổng thống Obama đã đối xử với châu Á như một khu vực, chứ không phải chỉ là một hệ thống của các trung tâm giao dịch và đã được nói tới trong chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ. Nhưng, với tư cách là một khu vực, châu Á hiện nay rất năng động và tiến bộ. Và ông Obama đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng này”. Nhiệm kỳ hai của Obama rất có thể sẽ chứng kiến chính quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ kinh tế với châu Á. Mỹ sẽ nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định khu vực gồm nhiều nền kinh tế nhưng không có Trung Quốc”.
Về mặt thương mại, đặc biệt là với Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á, ông Obama sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác khu vực. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương vẫn là một trong các ưu tiên của ông Obama. Và vị Tổng thống Mỹ sẽ lặng lẽ thúc đẩy thêm các thỏa thuận thương mại tự do và dỡ bỏ rào cản thương mại như một cách để giúp nền kinh tế toàn cầu tiến lên.
Cũng từ ngày 11/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng sẽ lần lượt tới thăm Australia, Thái Lan và Campuchia trong chuyến đi kéo dài một tuần, như một phần trong chiến lược dịch chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình dương.
Khác với hai ông Obama và Panetta, Ngoại trưởng Clinton trong chuyến thăm châu Á - Thái Bình dương những ngày sắp tới thì ngoài công việc bà sẽ tới thăm những người bạn thân tại thành phố Adelaide ở phía nam Australia. Đây có thể là lần công du cuối cùng của bà Clinton trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Obama cải tổ nội các
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không phải là người duy nhất rời khỏi vị trí lãnh đạo trong nội các mới của ông Obama trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, Tổng thống Obama được cho là sẽ mất đi những bộ trưởng quan trọng như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner. Tổng thống cũng có khả năng sẽ thay đổi một số cố vấn cấp cao trong đội ngũ nhân viên của ông tại Nhà Trắng. Obama cũng cần Thượng viện phê chuẩn 82 vị trí mới trong hệ thống tòa án.
Việc lựa chọn người thay thế bà Clinton- một nhà ngoại giao xuất sắc- có thể sẽ là một trong những thách thức khó khăn nhất của chính quyền ông Obama tới đây. Các nhà phân tích chính trị đã đưa ra một danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này, bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kerry, Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice và Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ ra đi vào đầu hoặc giữa năm 2013, sau 4 năm điều hành Bộ Quốc phòng và CIA. Các ứng cử viên có thể thay thế ông Panetta gồm cựu Giám đốc phụ trách chính sách Lầu Năm góc Michelle Flournoy - nữ bộ trưởng quốc phòng tương lai đầu tiên - và Ashton Carter- hiện đang là phó cho ông Panetta.