Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều ước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạnh giá táp vào mặt. Hải cố nắm chặt hai tay lái để khỏi chệnh choạng vì tay chân cóng buốt dường như không còn cảm giác.

Có ai đi phỏng vấn vào giờ này? Hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi thế, chẳng loại trừ vợ anh, vì rằng người ta ban ngày ban mặt làm việc, giờ là lúc phải yên vị ở gia đình. Anh sẽ phải giải thích rằng, đi gặp nhân vật để viết bài. Lúc xâm xẩm tối, anh đã kịp nhắn tin cho vợ để cô nàng chuẩn bị đón con và cơm nước, nhưng chưa rõ ràng và chắc nếu cô thông cảm cho thì chớ, không lại bảo mải tụ tập bạn bè chứ gì, hoặc đàn đúm cà phê ở đâu chứ ai phỏng vấn đến mười giờ đêm, khi trời mưa rét thế này. Phương án vợ nghi đi nhậu nhẹt sẽ được loại bỏ, bởi trên người không có mùi rượu.

Cái bụng đã phản đối suốt từ lúc ngồi vào bàn hỏi nhân vật. Anh ta từ một người nghèo bươn chải lăn lộn mưu sinh mà có thành quả như ngày nay. Một ông chủ khá thành đạt và có trái tim nhân hậu giúp đỡ biết bao người nghèo khổ bất hạnh khác. Anh là tấm gương ở đời. Câu chuyện của anh hấp dẫn, khiến Hải quên đói, nhưng sau khi dứt chuyện, đứng dậy bắt tay ra về, cái đói cồn cào đổ bộ. Đi đường, anh muốn lả ra trước màn mưa thốc mạnh vào mặt như ném từng vốc đá lạnh trong tủ. Lết mãi mới về được đến nhà, cho xe lên mới biết mình… còn sống. Cảm giác này đã đến với Hải đâu chỉ một lần trong những tháng năm mưu sinh cày sâu cuốc bẫm trong thời tiết khắc nghiệt mùa đông. Cặp vợ chồng trẻ nào mới cưới chẳng áp lực mưu sinh và vất vả như thế, nhưng vợ chồng Hải thấy điều đó đè nặng lắm lên toàn thân thể mỗi người.

Đến nhà, vợ đã nấu cơm, đứa con nhỏ tung phá đồ đạc bề bộn ra sàn. Nước đái trẻ con sớt ra nồng nặc mùi. Anh muốn ngã, mặt nhợt nhạt tái. Khuôn mặt người vợ cũng tái hay hình như vì sự trở về muộn mằn của anh, nó cũng đã tái dại đờ đẫn không cảm giác. Sự nuột nà thời con gái xuân sắc đâu rồi, hay đã và đang bị nỗi vất vả của cuộc sống tước đoạt. Những toan tính trong bộn bề khổ đau của con ốm quấy khóc, tiền hết, bệnh nhiều cũng khiến thân thể đó mệt mỏi. Anh nhìn và muốn lả, bảo vợ dọn cơm mình ăn. “Em mệt lắm không?” - Anh hỏi trong mệt mỏi. Người vợ gật và cun cút dọn cơm. Bát cơm đầu tiên đã khiến anh ấm bụng. Vừa toe toét cười được một cái với vợ thì cậu hàng xóm đẩy cửa ngó đầu vào, hỏi: “Anh Hải đã về rồi ạ?”. Gã nhăn nhó ngỏ ý vay tiền. Con ốm. Con là trên hết. Lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu. Vợ chồng anh cũng gặp cảnh  như vậy rồi. Con ốm ngặt nghẽo suốt hơn một năm trời, quá hiểu hoàn cảnh. Vợ đi lấy cho vay hai triệu. Anh rót cốc nước mời. Cậu ta uống vội rồi xin phép đi mua thuốc kẻo hiệu thuốc đóng cửa, rồi mai đưa con đi viện.

Rõ khổ, lúc này trong nhà anh cũng đâu dư tiền. Những lúc con ốm đau, anh chưa phải đi vay mượn, vì thực tình anh đã cố gắng để có thể trang trải, bằng chính những buổi tối đánh cắp thời gian của gia đình để đi làm. Năng nhặt chặt bị. Đó là điều anh cảm thấy qua thực tế, sự đúc rút của tiền nhân trở nên đúng hơn bao giờ hết.

*

*    *

Vợ liên tục hỏi bao giờ mình có một mái nhà của riêng mình? Em cứ đợi chờ, anh cứ hy vọng. Chúng mình cùng cố nhé. Nhiều lần anh động viên an ủi vợ thế. Đó không phải giấc mơ quá xa vời, có thể thực hiện được, nhưng quan trọng là thời gian. Năm năm, mười năm, hay lâu hơn nữa, với thu nhập chỉ tạm ổn như hiện nay của anh thì ráo mồ hôi là hết tiền, đâu có sự tích lũy. Cô hỏi anh thì anh biết hỏi ai?

Càng đi làm, Hải càng không thể giải thích được, mà đôi lúc anh chẳng dám giải thích cho mình, là vì sao người ta kiếm tiền giỏi, vì sao người ta giàu. Tiếp xúc với những tấm gương, trong đó nhiều người là doanh nhân, anh cũng tự hỏi, sao người ta có thể giàu như vậy. Hẳn là vợ anh cũng đã nghĩ, đang nghĩ và nhức nhối một ý nghĩ dài lâu như thế, để rồi tiếp tục đặt áp lực lên vai anh, lên vai chính cô vợ tội nghiệp của anh.

Cuối tháng, cậu con lại ốm. Sao con có thể ốm nhiều đến thế. Vợ xin nghỉ để đưa con đi viện. Anh cũng bốc điện thoại xin phép sếp không đến cơ quan mà cùng vợ chăm con, sau đó sẽ tự tìm cách liên hệ triển khai đề tài ô nhiễm môi trường vùng ngoại thành. Khổ nỗi, cả tuần con khóc ỉ ôi, hết ho lại nôn ọe, rồi sốt cao. Ở đời, làm cho công ty tư nhân, nghỉ nhiều thì tốt nhất là nghỉ hẳn. Vợ anh sốt ruột bảo anh vào viện trông con hai ngày để cô còn đến công ty. Anh chấp thuận và thời gian đó cầu mong sao cho con mau khỏi, đi gửi trẻ để anh còn bắt tay vào những đề tài rổn rảng hiện thực ngoài xã hội. Chao ôi, anh cũng là một số phận, một sự bi đát kéo dài, hay một hoàn cảnh tréo ngoe cuộc đời! Anh không tự trả lời được, chỉ biết sau 2 ngày trông thay vợ, bảo anh làm cơ quan Nhà nước, không thể tùy tiện nghỉ, em làm tư nhân, mất việc chỗ này có thể đi xin chỗ khác.

Vợ không muốn trông con: “Em cũng là người, em cũng cần có công việc”. Cô vợ lý luận vậy, biết phải làm sao. Anh đâu có bổ toác bản thân ra làm đôi được: “Anh chỉ cố cho em thêm một ngày nữa thôi. Anh còn điều tra… Công việc gấp lắm rồi”. Cô vợ ừ hữ, chẳng gật cũng chẳng lắc.

Ngày thứ ba trông thay vợ cuối cùng cũng kết thúc với mức độ bệnh của con trai nguôi vơi một phần. Cô vợ chấp nhận phải xin nghỉ việc ở công ty một tháng, chờ con khỏi bệnh sẽ tiếp tục làm. Công ty đồng ý thế. Anh cũng mừng. Cô vợ chỉ thoáng mừng, nhưng lại bức bối tủi thân bảo sao mình khổ mãi. Khổ từ lúc sinh con ra quấy khóc hơn cả ba tháng mười ngày, và đến giờ vẫn ặt ẹo ốm. Người ta cũng sinh con, làm mẹ, sao mình vất vả đủ đường.

Tiếng than ỉ ôi của vợ khiến anh não nuột. Cuộc sống đã đủ vắt kiệt sức lực rồi, những lời của vợ chỉ khiến lòng anh chùng xuống, buồn hơn thôi. Biết vậy nhưng anh vẫn luôn phải là người cứng rắn, để động viên, an ủi vợ trong tiếng khóc của con, tiếng những đứa trẻ đồng bệnh oe óe bên giường bệnh.

*

*    *

Con đỡ, về nhà, Hải động viên vợ nhiều hơn, vì thời tiết khắc nghiệt, cứ bỏ con cho cô giáo trông là ốm. Tiền lương không bõ tiền thuốc, nhưng cậu con cần phải được thích nghi với môi trường, và dù biết những trận ốm là những đợt tập dượt cho con, nhưng anh thấy nhói lòng.

- Thì em đã xin nghỉ cả tháng. Phải trông con thôi.

Vợ buồn, truyền hình cáp khi được khi mất, ti vi hỏng cũng chẳng xem được. Anh phải mua cho vợ chiếc điện thoại có chức năng kết nối internet, để hai mẹ con ở nhà trông nom nhau có thể đọc báo mạng lúc ngơi tay. Tiếc tiền, song chẳng có cách nào khác.

Một hôm về nhà, cô vợ thốt lên: Bao giờ mình giàu như ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh hả anh?

Hỏi anh như thế, anh biết hỏi ai.

Vợ kể lể một thôi một hồi, nào là nhà biệt thự, ô tô sang mà những người nổi tiếng sở hữu. Ừ thì họ cũng lao động, ừ thì có đặc trưng công việc, nhưng sao họ lại giàu có đến thế. Xung quanh hàng xóm đây, toàn những người đầu tắt mặt tối, hẳn là họ cũng từng có những suy nghĩ, ước mơ như thế. Nhưng nghe những lời vợ, Hải biết, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo đang ngày một lớn. Thậm chí lớn đến khủng khiếp. Người ta có thể rất chịu khó để trở nên giàu. Hay chỉ là ăn may, vơ vét, hoặc bán rẻ lương tâm. Người ta có thể ký roẹt một cái đã lĩnh về phần hoa hồng bằng cả ngàn bài báo của anh. Mà ngàn bài báo là cả cuộc đời một con người chứ đâu có ít.

- Bao giờ chúng mình giàu?

Trời ơi, ngay cả trong mơ, cô vợ tội nghiệp của Hải cũng lảm nhảm điều đó. Giấc mơ ấy, hẳn là bất kỳ ai cũng ước, nhưng không phải bao giờ nó cũng bộc lộ ra. Anh biết, ở trường hợp của vợ mình, đó chỉ là một sự bộc lộ niềm ao ước khi mà cuộc sống khó khăn đang trở nên quá tải. Cô ước, hẳn là vì mình cũng làm lụng, cố gắng, nhưng vận may chưa chịu đến.

Cuối tháng, vợ bảo Hải dồn tiền để cô cho vay lãi. Người ta “ăn” ba ngàn đồng một triệu mỗi ngày thì mình chỉ hai thôi. Dăm chục triệu cho vay thì mỗi tháng cũng để ra được vài triệu trang trải cuộc sống. Hải đôn đáo nhờ anh em, bố mẹ, dồn được đủ số tiền vợ yêu cầu. Quả nhiên tháng đầu được vài triệu tiêu thật. Cô vợ lại bảo em “nhổ” ra cho vay chỗ cao hơn. Hải không để ý đến chuyện đó, tin vợ là chính, anh nghĩ, cứ để cô ấy làm cho khuây khỏa. Đằng nào thì cô ấy cũng chăm con nhiều hơn, công việc lai rai vậy cho vui.

Dăm chục triệu thành nợ xấu. Không, thêm ba chục triệu nữa, cô vợ vay chỗ thấp cho người trả lãi cao vay để ăn chênh lệch. Đòi không được. Mối quen bội phản. Bè bạn thân thiết chơi xấu nhau. Kẻ vay chơi cá độ bị vỡ nợ… Biết bao lý do, hoàn cảnh, tất cả tơi tả trong mớ hỗn mang, phụ thuộc. Vợ Hải rưng rức khóc. Mất cả chì lẫn chài. Anh ơi, anh cứu em?

Cứu làm sao được. Cứu kiểu gì. Cô vợ nói vậy chỉ để nói thôi, vì thừa biết anh chồng chẳng thể làm gì tác động trong việc này. Cả một thế giới, một mạng lưới, với hiểm họa và cạm bẫy, làm sao đoán biết được rủi ro mà tránh, hỡi cô vợ tội nghiệp.

Giấc mơ và hành động dám nghĩ dám làm đầu tiên trong đời của vợ Hải thế là đổ bể. Anh chỉ biết động viên vợ: Thua keo này bày keo khác. Cô vợ lắc đầu: Chẳng biết em còn có keo nào nữa không!. Hải ôm vợ vào lòng, cậu con nhay nháy mắt nhìn, toe toét cười.

Đêm ấy, cô vợ lại nói mơ: Anh ơi bao giờ mình giàu?

Nghe mà thấy tội!