Không phải vì những người làm bóng đá không biết, không thấy, mà bởi, để thay đổi một cách triệt để, hướng một nền bóng đá vốn bị tác động, ràng buộc bởi rất nhiều sợi dây mang tên quyền lợi thật chẳng dễ chút nào. Lâu nay, người ta biết, lạm dụng cầu thủ ngoại thì nội binh sẽ mất vị trí và đội tuyển quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Ấy vậy mà, người ta vẫn thích đi ngược chiều gió, bởi đơn giản, quyền lợi của một cá nhân, một nhóm người gắn chặt trong những bản hợp đồng bạc tỷ đó. Người ta cũng biết, dồn tiền cho cầu thủ ngoại thì làm sao còn kinh phí lo cho hệ thống đào tạo trẻ. Nhưng, người ta vẫn làm, bởi chỉ có ngoại binh hóa đội hình mới nhanh chóng có được danh hiệu, quảng bá được thương hiệu và có nhiều tiền thưởng. Và, cơ quan quản lý cũng biết cái lợi, cái hại của việc trọng ngoại hơn nội nhưng cũng chẳng thể làm khác bởi lâu nay, họ áp dụng quy định do các đội bóng xây dựng. Thậm chí, họ còn để các đội bóng gây áp lực theo kiểu "giảm ngoại binh thì chúng tôi nghỉ chơi". Đương nhiên, nhà tổ chức giải không bao giờ muốn đội bóng nghỉ chơi vì giải sẽ không về đích an toàn. Rút cuộc, vì muốn làm hài lòng và chiều lòng các đội bóng, nơi mang đến quyền lợi cho mình, nhà quản lý cứ phải chấp nhận cái thực tế mà họ biết là có hại cho nền bóng đá. Bây giờ, chính các ông bầu, các đội bóng cũng cảm thấy mệt mỏi vì lao vào những giá trị ảo. Họ thay đổi trong cách làm bóng đá. Họ muốn chơi thứ bóng đá bền vững và tiết kiệm. Đó cũng chính là cơ hội để bóng đá Việt Nam thoát ra khỏi mớ bòng bong. Các nhà quản lý sẽ có cơ hội định hướng sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Rằng, muốn có tương lai, phải bắt đầu từ cấp cơ sở. Cấp cơ sở muốn mạnh, phải hướng đến những giá trị bền vững, đó là đào tạo trẻ. Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, sự định hướng ấy phải xuất phát từ thực tâm, từ sự tự nhận thức và tầm nhìn của người trong cuộc chứ không phải do khó khăn về tài chính. Có như vậy, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội xây một ngôi nhà từ móng, chứ không chỉ hô hào như bấy lâu nay người ta vẫn làm.