Chiều nay 16/12, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 5. GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết đã có 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn được lựa chọn trình bày trong 2 ngày. Trong đó có 30 báo cáo được mời và đặt hàng từ các học giả có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.
|
Các nhà nghiên cứu thảo luận về vấn đề giáo dục, đào tạo của Việt Nam |
Theo GS Nguyễn Hữu Đức, hội thảo thực sự là cầu nối, thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu. Đồng thời gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng và liên ngành hơn, gắn với các vấn đề đương đại của Việt Nam. Thông tin trực tiếp từ hội thảo cũng như thông tin hỗ trợ từ các khảo sát thư tịch cho phép định vị 10 cơ sở nghiên cứu mạnh về các vấn đề Việt Nam học truyền thống, gắn với khoa học xã hội – nhân văn nói riêng và 10 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới về các vấn đề khoa học & công nghệ của Việt Nam nói chung. Ban tổ chức cũng đã định vị được top 50 các nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu ở trong và ngoài nước.
Là đơn vị đầu mối tổ chức hội thảo, ĐHQGHN trực tiếp tiếp nhận các thành quả của sự kiện này phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức; tập hợp các ý kiến tư vấn của các nhà khoa học báo cáo lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Đồng thời tiên phong triển khai các nhiệm vụ, như: Từ năm 2017, ĐHQGHN sẽ ra mắt chuyên san Nghiên cứu Việt Nam. Đây sẽ là diễn đàn cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế để công bố các công trình nghiên cứu của mình về Việt Nam học, tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.
ĐHQGHN tập trung hoàn thiện, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH về Việt Nam học và khu vực học đạt chuẩn quốc tế. Được sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ, ĐHQGHN sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, hàng đầu của thế giới đặt tại Hòa Lạc. Đồng thời, tập trung nguồn lực xác định cấu trúc, triển khai xây dựng Bộ Quốc chí Việt Nam...