Kinhtedothi - Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn, các DN và nhà quản lý cần phải làm gì và làm thế nào để đưa hàng Việt vươn xa hơn, tạo được thương hiệu và chỗ đứng vững vàng hơn trên thị trường trong và ngoài nước là những vấn đề được các DN và đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch TP Hà Nội đưa ra bàn thảo tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Để hàng Việt mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 12/10. Đây là hoạt động được báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
DN chưa khai thác hết tiềm năng trong nước
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Yến thừa nhận, mặc dù là DN có “tuổi đời” 20 năm trong lĩnh vực sản xuất bếp công nghiệp, doanh thu mỗi năm trên 100 tỷ đồng nhưng thực sự DN này mới chỉ chiếm lĩnh được khoảng 5% thị trường. Theo bà Lan Anh, thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng với trên 2.000 tỷ đồng/năm. Chính vì thế thay vì mở rộng xuất khẩu, Công ty CP Hà Yến trong thời gian tới đặt ra chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Từng tiếp xúc nhiều với các DN, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội chỉ ra rằng, ở nhiều lĩnh vực ngành hàng, sở dĩ DN Việt chưa thể chiếm lĩnh được thị trường nội là bởi vì bản thân hàng hóa, dịch vụ của họ vẫn có nhiều “vấn đề”. Đầu tiên đó là mặc dù thường xuyên đưa các chương trình khuyến mại về nông thôn nhưng đa phần các chương trình của DN trong nước không phải là các chương trình có sức hấp dẫn cao, giá chưa thực sự rẻ. Bên cạnh đó, mặc dù các DN khá tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng đa phần chỉ mang tính thời vụ và theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, tính liên kết của DN cũng chưa cao, DN sản xuất cùng ngành hàng thay vì cạnh tranh về chất
lượng lại quay sang đối đầu về giá. “Tôi từng biết có 2 DN bán cùng một mặt hàng ngay cạnh nhau nhưng giá lại chênh lệch rõ ràng. Đây cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về chất lượng sản phẩm” – ông Quốc Anh chia sẻ. Khâu hậu mãi của một số thương hiệu Việt cũng gây bức xúc cho người tiêu dùng. Khi mua sản phẩm lỗi, hỏng, người tiêu dùng đều không nhận được hoặc không được hỗ trợ đầy đủ từ phía DN cung cấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lòng tin của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, bà Đào Thị Hương Lan - Chủ tịch Hội DN quận Long Biên chia sẻ: “Điểm chung của phần lớn sản phẩm Việt là có chất lượng không đồng đều. Chính điều này khiến lòng tin với sản phẩm Việt của người tiêu dùng không được cao”. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam có Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng nhưng hoạt động chưa thực sự có hiệu quả. Đại diện Hội DN Quận Long Biên đề nghị cần nâng tầm của Hiệp hội này nhằm giải quyết những khúc mắc giữa người tiêu dùng và DN. Ngoài ra, các DN ứng dụng KHCN cần được coi là yếu tố then chốt để phát triển. Từ đó DN có thể nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Làm gì để thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại?
Có một thực tế được các khách mời Tọa đàm thẳng thắn nêu lên là, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người Việt còn tâm lý “sính” hàng ngoại. Điều này có lỗi trước tiên là ở DN, đa số DN trong nước chưa có tầm nhìn về xây dựng thương hiệu trong ngắn hạn, thậm chí là trung hạn (trong 5 - 10 năm). Trong khi ở nhiều nước, các DN đều xác định xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài lên tới hàng chục năm. Ở các DN nhỏ và vừa, tình trạng còn đáng quan ngại hơn. Nhiều DN chưa có bộ phận chuyên biệt về xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá thương hiệu, không có nguồn quỹ riêng dành cho công tác xây dựng thương hiệu. Rõ ràng, xây dựng thương hiệu đang là một trong những khâu yếu nhất của DN Việt, dẫn đến câu chuyện người Việt chưa thực sự tin, yêu hàng Việt.
Để gia tăng thị phần nội địa, một số DN trong đó có Công ty CP Hà Yến đã chủ động tiến hành các cuộc khảo sát thị trường. Các cuộc khảo sát đã giúp Hà Yến nhận ra rằng, trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng bếp công nghiệp, cùng chất lượng, hàng ngoại giá rẻ hơn. Trong khi cùng mức giá thì chất lượng của hàng ngoại lại tốt hơn. Nhưng hàng ngoại cũng có điểm yếu đó là dịch vụ của họ chưa tốt, công tác truyền thông chưa thực sự chuyên nghiệp. “Vì thế, chúng tôi xác định khai thác từ điểm yếu này. Cụ thể, Hà Yến đã tập trung vào phát triển công tác dịch vụ, tập trung quảng bá truyền thông sản phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng đặc biệt được Hà Yến quan tâm. Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 2 năm nay và đưa ra thị trường các sản phẩm tập trung cho phân khúc khách hàng bình dân thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm cao cấp như trước đây. Với dòng sản phẩm này, chúng tôi dự kiến, doanh thu của công ty sẽ tăng từ 100 - 200% năm” – bà Lan Anh tâm sự.
Trong khi ông Nguyễn Mạnh Hùng – đại diện Công ty CP Kim khí Thăng Long cho biết, đứng trước khả năng bị các DN nước ngoài cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà trong thời gian tới, Công ty CP Kim khí Thăng Long đã có nhiều cuộc khảo sát nghiêm túc nhu cầu tiêu dùng trong nước để có phương án cụ thể tiêu thụ sản phẩm của mình; Chuẩn bị thành lập một số chi nhánh ở các thị trường nước ngoài như Đức, Nga… để nhập nguyên liệu trực tiếp phục vụ sản xuất.
Đại diện cho Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ (TCMN) làng nghề Hà Nội, Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh nhận xét, thời gian gần đây, các hội chợ, triển lãm đã được tổ chức với tần suất dày hơn nhưng chưa thực sự hiệu quả. “Chúng ta cần tổ chức quy củ, bài bản hơn, có sự lựa chọn DN kỹ càng hơn để tránh tình trạng hàng nhái vẫn trà trộn vào hội chợ, làm xói mòn lòng tin người tiêu dùng. Chúng ta cần thiết lập kỷ cương, lề luật để các chương trình hội chợ diễn ra chuyên nghiệp, thực sự phục vụ lợi ích DN trong nước” – bà Vinh kiến nghị.
Nỗ lực đưa hàng Việt vươn xa
Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức khi các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay,… song các DN có mặt tại buổi Tọa đàm cũng khẳng định họ cũng nhận được rất nhiều cơ hội từ quá trình hội nhập, trong đó rõ nhất là gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, để hàng Việt tự tin đứng vững ở các thị trường nước ngoài thì bản thân các DN phải nâng cao trình độ để nắm bắt những xu hướng phát triển của thị trường quốc tế.
Theo bà Hà Thị Vinh, DN cần trang bị và đầu tư một đội ngũ chuyên gia đào tạo bài bản tại nước ngoài. Nếu muốn đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ sang các thị trường quốc tế, các DN cần hiểu rõ những ưu và khuyết điểm của bản thân. TP Hà Nội cần quan tâm, tạo ra những phong trào để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao. Các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để các chương trình đào tạo đến được với tất cả các cơ sở làng nghề. Các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội cũng cần mở những khoa đào tạo chuyên sâu về thủ công mỹ nghệ... “Nếu làm cặn kẽ, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể mạnh mẽ bước vào thế giới với giá thành hết sức hợp lý” – bà Vinh tự tin.
Chia sẻ ở góc độ là cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng cộng đồng DN trong nhiều năm qua, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, trước “sức nóng” của hội nhập, mỗi DN cần phải chuẩn bị tâm thế, trình độ, cách thức hội nhập thật tốt. Qua chuyến công tác Thái Lan mới đây, ông Đức nhận thấy từ cán bộ quản lý địa phương cho tới các DN Thái Lan đều đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, bài bản cho quá trình hội nhập. Tư tưởng hội nhập đã thấm vào từng cá nhân, DN Thái Lan như: Danh thiếp của họ luôn có hai thứ tiếng Anh và Thái và ngôn ngữ sử dụng của chủ DN luôn là tiếng Anh khi giao tiếp, phong cách tiếp xúc rất gần gũi, quà tặng cho khách là chính các sản phẩm của DN họ từ khế, ô mai, sầu riêng, xoài… cho đối tác và du khách. Còn rất nhiều ví dụ để cho thấy DN Thái đang rất chủ động trong hội nhập, chuyên nghiệp trong tiếp thị mà theo ông Nguyễn Minh Đức, DN Việt nên học hỏi từ chính những người bạn này.
Hàng Việt hoàn toàn có thể vươn xa hơn trên thị trường quốc tế nếu mỗi người dân và DN Việt Nam không ngừng học hỏi và sáng tạo, luôn ý thức việc xây dựng thương hiệu và nâng tầm thương hiệu. TP Hà Nội với vai trò là “bà đỡ” cần tích cực hỗ trợ DN mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải cách về thuế để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trong nước và xuất khẩu.
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Văn Chiến
|
Báo Kinh tế & Đô thị và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Hà Nội cùng các hiệp hội cần có chương trình kế hoạch liên kết với nhau để tạo diễn đàn kiến nghị về chính sách, kết nối DN, phát triển thương hiệu cho DN, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các DN. Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Châu Phi là khu vực địa lý xa xôi đối với DN Việt Nam nói chung và DN Hà Nội nói riêng, là khu vực khách hàng không khó tính, DN nên tham gia với các đoàn DN có uy tín khi tham gia thị trường Châu Phi, tham gia hội chợ, triển lãm nhất thiết mang theo hàng mẫu, catalogue để tăng hiệu quả thuyết phục... Ông Phùng Đức Hiếu - Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Hà Nội Những năm vừa qua, chúng tôi không ngừng đầu tư phát triển CNTT theo hướng đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ tốt. Chúng tôi đã đầu tư mua các máy móc tự động, bán tự động từ Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Yến |