Nhiệm vụ nặng nề hơn
Hà Nội chuẩn bị đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT): Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, TP đã và đang hình thành được một phần hệ thống VTCC khối lượng lớn. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận: “ĐSĐT đóng vai trò là xương sống của mạng lưới VTCC. Khi ĐSĐT đi vào hoạt động, xe buýt sẽ giữ vai trò hỗ trợ, kết nối ĐSĐT với các khu vực dân cư lân cận. Với sức chở hàng nghìn hành khách trên mỗi chuyến đi, ĐSĐT sẽ thu hút hàng vạn người, tạo nên áp lực không nhỏ cho khâu kết nối đó”.
Trong kỷ nguyên mới của VTCC, khi ĐSĐT và các loại hình vận tải khối lượng lớn khác xuất hiện, chi phối mạnh mẽ tần suất, hướng di chuyển của người dân, xe buýt Hà Nội cần một kịch bản phù hợp. Các chuyên gia khẳng định, sự xuất hiện của ĐSĐT không làm giảm vai trò, mà thậm chí còn khiến nhiệm vụ của xe buýt nặng nề hơn. Rõ ràng, việc giải toả hàng nghìn hành khách trong cùng thời điểm tại các nhà ga đầu cuối của ĐSĐT là nhiệm vụ không hề đơn giản. Chiều ngược lại, xe buýt cũng là một trong những phương tiện chủ đạo đưa khách đến cho ĐSĐT.
Bên cạnh đó, Hà Nội ngày càng đông dân cư, dẫn đến nhu cầu đi lại không ngừng gia tăng. Khu vực trung tâm TP có đặc thù đường sá chật hẹp, mật độ phương tiện cao; trong khi đó ngoại thành với tốc độ phát triển nhanh cũng đang hình thành nhiều khu đô thị mới. Thực tế đó đòi hỏi xe buýt Hà Nội phải có kịch bản phát triển mới, trong đó chú trọng tối đa đến tính hợp lý của toàn mạng lưới và phương tiện.
Đa dạng nhưng không dàn trải
Thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan tăng cường rà soát, hợp lý hoá mạng lưới tuyến xe buýt, có các phương án điều chỉnh, kết nối xe buýt với ĐSĐT; đa dạng loại hình phương tiện… Cùng với đó, nhiều ý tưởng về xe buýt đô thị cũng đã được đưa ra nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, phát triển xe buýt cần đa dạng nhưng không nên quá dàn trải để tránh lãng phí nguồn lực.
Hiện Hà Nội đã mở rộng xe buýt ra toàn bộ 34 quận, huyện, thị xã, xoá các “vùng trắng” xe buýt, nâng cao năng lực phục vụ người dân. Tuy nhiên, nhiều tuyến buýt, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, ngoại thành chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt, lượng khách đi lại thưa thớt, trong khi chi phí duy trì không hề nhỏ. Bên cạnh đó, trong khu vực trung tâm TP, nơi nhu cầu rất cao, hạ tầng chật hẹp thì lại chưa đa dạng loại hình, thiếu xe buýt mini phù hợp với điều kiện lưu thông thực tế.
Cùng với đó, tiến độ chậm chạp của các tuyến ĐSĐT cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của xe buýt. Đơn cử như dọc hành lang tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, việc điều chỉnh lộ trình hàng chục tuyến buýt kết nối đã hoàn thành xong từ lâu nhưng không phát huy tác dụng vì ĐSĐT vẫn giậm chân tại chỗ. Mặc dù vậy, các tuyến buýt lại không thể điều chỉnh lại như cũ trong khi chờ đợi tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, gây khó khăn cho hành khách.
Các chuyên gia cho rằng, trong kỷ nguyên phát triển mới, với vai trò chủ đạo của VTCC khối lượng lớn, xe buýt ngày càng quan trọng hơn. Bởi nó không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn có trọng trách hỗ trợ, giúp VTCC khối lớn vận hành hiệu quả. Mặt khác, khi đô thị Hà Nội ngày càng phát triển, áp lực UTGT, ô nhiễm môi trường nặng nề hơn, xe buýt còn là một “cứu cánh” cho người dân TP. Bởi vậy, Hà Nội cần kịch bản phù hợp, nhằm phát huy tối đa vai trò của xe buýt trong kỷ nguyên phát triển mới.