Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Chợ, siêu thị đều vắng khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, do đó, lượng khách đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống để mua sắm trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 không đông như mọi năm.

Đo kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Lê Nam
Lượng khách hàng giảm sút
Ghi nhận của phóng viên trong các ngày qua cho thấy, tại siêu thị Big C Thăng Long, Vinmart Nguyễn Chí Thanh, Co.opmart Hà Đông… cho thấy: Mặc dù lượng hàng hóa được bày bán dồi dào, đa dạng song lượng khách đến siêu thị vẫn không khác ngày thường, sức mua hầu như không thay đổi. Người tiêu dùng đến chỉ tập trung mua sắm hàng thực phẩm thiết yếu, những mặt hàng đồ điện, đồ gia dụng hầu như không có khách. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết: Sau khi TP Hà Nội phát hiện một số ca nhiễm, thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 T.Ư và TP, phần lớn người tiêu dùng không đến siêu thị đông như những kỳ nghỉ lễ trước đây.

Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn thành phố như chợ dân sinh phường Mai Động, chợ Hà Đông, chợ Thành Công... người dân đi chợ đông hơn nên không khí khá nhộn nhịp, giá hầu hết các mặt hàng ổn định. Với mặt hàng thịt lợn, giá thịt lợn ba chỉ, thăn, sườn được bán phổ biến là 150.000 - 160.000 đồng/kg, mông sấn 140.000 đồng/kg, tim 250.000 - 255.000 đồng/kg, cật 150.000 đồng/kg sườn 180.000 - 190.000 đồng/kg... Mức giá này không thay đổi so với những ngày trước đó nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Ngược lại, các mặt hàng thủy, hải sản mặc dù hút khách nhưng giá vẫn giữ ổn định. Tôm sú 280.000 - 400.000 đồng/kg, cá trắm đen 120.000 - 150.000/kg, cá rô phi 45.000 đồng/kg, cá chép 65.000 đồng/kg, ngao 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tương tự rau và hoa quả cũng giữ giá, rau ngót 7.000 đồng/kg, mồng tơi 5.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ, củ cải 15.000 đồng/kg, xoài cát 35.000 - 45.000 đồng/kg, dưa hấu 20.000 đồng/kg, dưa lưới 60.000 đồng/kg...

Mặc dù các loại hoa quả, thực phẩm tươi sống không tăng giá nhưng các tiểu thương có chung phản ánh: Năm nay do dịch Covid-19 có khả năng bùng phát trở lại, người dân hạn chế ra chợ mua sắm hoặc chuyển sang mua online. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến giá cả không tăng mà còn có xu hướng giảm, thậm chí một số tiểu thương đóng cửa tạm dừng bán hàng.

Siêu thị thực hiện nghiêm, chợ dân sinh lơ là phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách được thực hiện nghiêm. Trong khi đó tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn, công tác này có phần lơ là.

Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, ngay từ cửa ra vào nhân viên siêu thị đã yêu cầu 100% khách vào mua hàng rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đồng thời khuyến cáo người dân giữ khoảng cách khi vào mua hàng. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Trong quá trình kiểm tra, đo thân nhiệt khách hàng, nếu phát hiện trường hợp nào có nhiệt độ cao theo khuyến cáo của ngành y tế, đơn vị sẽ báo cáo với lực lượng chức năng để có bước xử lý tiếp theo. Tương tự, các biện pháp bảo đảm an toàn cũng được thực hiện nghiêm túc tại siêu thị Big C, Vinmart. Các hệ thống siêu thị này đều đã tăng cường chủ động sắp xếp, tổng vệ sinh siêu thị. Đồng thời, yêu cầu tất cả những người dân, nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và rửa tay kháng khuẩn trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch với khách hàng.

Trong khi đó, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội rất nhiều người bán và người mua hàng vẫn "phớt lờ" quy định 5K trong phòng dịch Covid-19. Tại khu vực chợ "cóc" trên phố Bạch Mai, vẫn có tình trạng cả mua và bán hàng không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy chuẩn nhưng không có lực lượng chức năng, ban quản lý chợ nhắc nhở. Một số chợ không phát thanh cách phòng dịch Covid-19, hoặc đặt biển hiệu khuyến cáo người dân tuân thủ quy định phòng dịch ở các lối ra, vào chợ.

Sau kỳ nghỉ lễ, người dân sẽ trở về nhịp sống lao động bình thường, lượng khách hàng mua sắm tại chợ truyền thống vì thế cũng tăng trở lại, để phòng chống Covid-19 chính quyền địa phương bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông cũng cần tăng cường, kiểm tra, xử lý nghiêm những người không tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại hệ thống chợ trên địa bàn.
Tại siêu thị, các loại hàng hóa phong phú, đa dạng, sức mua ổn định, giá các loại hàng hóa cũng không tăng so với trước khi phát hiện trường hợp dương tính với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung