Mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Nội sáng (3/12), đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) đặt vấn đề về khoản nợ thuế khó thu lên tới 1.550 tỷ đồng tính từ đầu năm 2015, có nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc đã có 12.557 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, hầu hết những DN này đều nợ thuế. Vậy lũy kế đến nay đang có bao nhiều DN thuộc dạng này và theo quy định DN sẽ bị xử lý thế nào?
Cũng về việc thất thu thuế, ĐB Lê Văn Thành cho rằng, việc thành lập DN để xuất hóa đơn là vấn đề rất nghiêm trọng. ĐB Thành đề nghị Cục thuế cũng như cơ quan chức năng có liên quan cần thận trọng khi xem xét thành lập DN, khi tiến hành xử lý vi phạm cần làm đến nơi đến chốn, tránh gây mất công bằng giữa các DN.
Trả lời vấn đề được ĐB đưa ra, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội, cho biết, theo số liệu thống kê đến 30/11/2015, đã có 59.000 DN bị cơ quan thuế ra thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền nợ thuế lên đến 1.567 tỷ đồng. Số nợ trên 1 tỷ đồng là 246 đơn vị với trên 700 tỷ đồng; số nợ từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là 2.036 đơn vị, với số tiền 594 tỷ đồng; dưới 100 triệu đồng là 32.096 đơn vị, với số nợ là 272 tỷ đồng.
Theo ông Hải, DN dạng này thường có 3 trạng thái cơ bản. Đầu tiên là các DN được thành lập để buôn bán hóa đơn, những đối tượng này sau khi thành lập thì giải thể ngay vì vậy rất khó phát hiện. Qua thực hiện đối chiếu chéo, Cục thuế TP đã phát hiện ra số tiền nợ thuế của DN dạng này lên tới gần 400 tỷ đồng. Cục cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan công an và trong năm 2015 đã bắt đầu tiến hành xử lý một số trường hợp.
Tuy nhiên quá trình xử lý những DN dạng trên thường mất rất nhiều thời gian, bởi các đối tượng cầm đầu hoạt động rất tinh vi, thường mượn CMND hoặc thuê người làm giám đốc. Nhưng những người được thuê này lại là xe ôm, mất chứng minh thư hoặc người đang trong tù vì vậy để tiến hành xử lý cơ quan công an phải bắt được quả tang cụ thể.
Đối tượng thứ 2 là những cá nhân, tổ chức bỏ DN này để thành lập DN khác với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục thuế cũng đã phối hợp với cơ quan công an để nhận diện và đang kiến nghị về hình thức xử lý với những đối tượng này. Ngoài ra, đối tượng thứ 3 là những DN gặp khó khăn thực sự phải ngừng hoạt động hẳn thì rất khó để nhận diện, ông Hải phân tích.
Về việc cần xem xét ký quá trình thành lập DN nhằm tránh tình trạng chỉ lập ra để xuất hóa đơn, ông Hải kiến nghị lên Chính phủ và TP cần có cơ chế xác minh nhân thân chủ DN. Mặc dù cần tạo sự thông thoáng cho DN hoạt động nhưng nếu DN không có vốn, chất xám hay nhân lực thì không thể được triển khai hoạt động.
Cũng có phần trả lời đại biểu về sự phối hợp của lực lượng công an TP với Cục thuế trong việc xử lý DN bỏ địa chỉ kinh doanh cũng như DN buôn bán hóa đơn, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung khẳng định các hành vi vi phạm đã và sẽ được xử lý nghiêm túc cũng như công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian tới.
Theo ông Chung, trong thời gian qua, Công an TP đã phối với ngành thuế xác minh hơn 300 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và truy thu thuế của những đối tượng này. Đặc biệt, trong năm 2014, đã phát hiện ra 16 DN được thành lập bởi Nguyễn Trường (Hà Nội) có hoạt động buôn bán hóa đơn với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đến hiện tại đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng từ các đối tượng mua hóa đơn của Trường.
Cùng quan điểm với Cục trưởng Cục thuế, ông Chung cho rằng, hoạt động quản lý DN đang có nhiều sơ hở, đặc biệt là vấn đề xác minh nhân thân đối với các đối tượng thành lập DN chưa chặt chẽ, DN được tự in hóa đơn... Thời gian tới, Hà Nội sẽ có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn, tới lúc đó việc quản lý DN sẽ chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, trong thời gian tới, ngành thuế cần tập trung hơn vào phân loại nợ nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng nợ. Công khai các DN nợ đọng thuế cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để giải quyết triệt để tình trạng DN gian lận hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh.
Ảnh minh họa
|