Tràn ngập hàng
Những ngày này, dạo qua những con phố bán đồ chơi tại khu phố cổ Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân có rất đông người dân đến mua những loại đồ chơi Trung thu có mẫu mã khá bắt mắt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo các chủ hàng ở đây, giá các mặt hàng đồ chơi có tăng hơn so với năm trước khoảng 10 - 20% tùy loại. Giá các loại đèn Trung thu bằng nhựa, có gắn chíp điện tử, phát nhạc và sáng đèn dao động trong khoảng từ 30 - 80.000 đồng/chiếc. Mặt nạ các loại có giá 10 - 15.000 đồng/chiếc… Riêng với đèn Trung thu, có nhiều loại hình thù ngộ nghĩnh: Mèo máy Đô - rê -mon, chuột Mickey, con gà trống… Loại đèn này, tùy kích thước, mẫu mã mà có giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, có thêm loại mũ nỉ có hình con thỏ, sóc… được bán với giá 30.000 đồng.
Hàng đồ chơi truyền thống không nhiều và bán khá chậm. Trong khi đó, các loại đồ chơi có màu sắc bắt mắt như: bờm, nơ, siêu nhân, ôtô, búp bê, robot (robot trái cây, robot bắn đạn), ôtô, bộ lắp ráp, mèo kinh dị, mặt nạ dẻo, các loại con giống… xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc lại thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Coi chừng chất lượng
Chị Mai Hương, một chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết: "Giá đồ chơi tăng nhưng do mỗi năm có một dịp, ai cũng muốn mua cho con nên không để ý nhiều đến giá cả. Tại cửa hàng của chị, hàng đồ chơi Trung thu truyền thống chỉ có vài ba loại: Trống ếch, đầu ông địa, đèn ông sao. "Một chiếc trống ếch loại nhỏ hay chiếc mặt nạ hình đầu ông địa bằng thạch cao cũng chỉ tầm 30 - 40.000 đồng/chiếc mà chơi lại bền. Lâu nay, người ta cứ quen chơi đồ điện tử thành ra trẻ con cũng đua theo. Vậy nên, nếu không có sự định hướng của người lớn, trẻ con sẽ khó có ý thức chơi các loại đồ chơi truyền thống"- Chị Hương cho biết.
Còn anh Hòa, ở Cửa Nam chia sẻ: "Trung thu năm nào cũng vậy, tôi đều tìm mua một vài món đồ chơi để tặng cho mấy đứa cháu. Nhưng năm nay khó quá! Suốt mấy ngày vừa rồi, chiều nào đi làm về qua phố Lương Văn Can tôi cũng ghé vào xem, nhưng vẫn chưa chọn được món đồ nào ưng ý. Cái tôi muốn mua lại chẳng có tem kiểm định chất lượng".
Cũng giống như mọi năm, các loại đồ chơi có tính kích động bạo lực như: dao, mác, súng, kiếm, lựu đạn nhựa… vẫn được các tiểu thương bày bán. Điều đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm này đều không được gắn tem hợp quy CR, không nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt, thành phần hay hướng dẫn sử dụng.
Đặc biệt, đồ chơi làm giả, nhái mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng như Lego của Đan Mạch hay búp bê Barbie của Mỹ cũng xuất hiện nhiều. Hoặc như đĩa bay TOSY đã được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Việt Nam và Hàn Quốc cũng không tránh được việc bị làm giả.
Nhằm chống gian lận về chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phục vụ tết Trung thu, mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có văn bản hướng dẫn các Chi cục TCĐLCL phối hợp với quản lý Thị trường, thanh tra sở KH&CN các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh thực hiện kiểm tra mặt hàng này. Đây là chiến dịch kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em trong dịp cao điểm Tết Trung thu đang cận kề.