Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dỡ lệnh trừng phạt Iran: Những điều cần biết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi đã tồn tại gần 10 năm qua đối với Iran. Điều này có ý nghĩa gì?

Theo quyết định của phương Tây, các lệnh trừng phạt kinh tế bao gồm cấm vận đặt lên dầu thô Iran, quan trọng không kém là kết thúc những lệnh giới hạn thương mại, vận chuyển và bảo hiểm.
Một trạm xăng dầu tại Iran.
Một trạm xăng dầu tại Iran.
“Đây là ngày mà chúng tôi đã chờ đợi trong nhiều năm… Khoảng 300 cá nhân và DN Iran sẽ được ra khỏi danh sách trừng phạt của EU”, theo ông Michael Tockuss, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức – Iran.
Đối với Iran

Với mức giá dầu hiện tại, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt năng lượng đồng nghĩa doanh thu từ nhiên liệu này của Iran sẽ tăng tới 10 tỷ USD cho tới năm 2017. Ngân hàng T.Ư Iran cho biết, khoảng 30tỷ USD dự trữ ngoại hối đóng băng ở các tài khoản trên thế giới sẽ “chảy” về nước này.

Theo đó, Iran có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên 5% trong giai đoạn 2016-2017, từ mức gần 0 hiện nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo đó, hoạt động thương mại của Iran cũng tiết kiệm được 15% chi phí, ước tính 15 tỷ USD mỗi năm sau thỏa thuận này.

Dầu tiếp tục giảm

Với việc gỡ bỏ trừng phạt, Iran sẽ xuất khẩu dầu thô ở sản lượng cao nhất có thể. Trước khi lệnh cấm vận dầu thô áp dụng lên Iran năm 2012, cứ 5 thùng dầu thô Iran thì 1 thùng xuất tới các nước châu Âu.

Tehran cho biết, sẽ tăng 500.000 thùng dầu/ngày sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và tăng tổng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 2,5 triệu thùng trong năm tới.

Giá dầu thô sẽ tiếp tục lao dốc trước động thái này, trong bối cảnh thị trường dầu giá rẻ chưa có dấu hiệu suy chuyển.

Khi bắt đầu quay lại thị trường, rất có khả năng Iran sẽ chiết khấu giá dầu để thu hút khách hàng. Trong tuần giao dịch trước, giá vàng đen có thời điểm giảm xuống thấp nhất 13 năm trước những quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc.

Những nút thắt cổ chai

Nút thắt cổ chai lớn nhất của Iran có thể là ngành công nghiệp ngân hàng. Dù được tái kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu, hiện chưa rõ bao nhiêu ngân hàng được phép hợp tác với các DN Iran. Trong 10 năm qua, số tiền phạt các ngân hàng giao dịch với Iran đã lên tới 14 tỷ USD.

“Một số ngân hàng Anh đã cam kết với các nhà điều hành Mỹ, sẽ không tăng cường hoạt động tại Iran”, theo Justin Walker, giám đốc các vụ án tài chính ở Hiệp hội Ngân hàng Anh.

Bên cạnh đó, không phải tất cả lệnh trừng phạt lên Iran đã được dỡ bỏ. Những hình phạt đối với các thực thể bị cáo buộc tài trợ khủng bố vẫn duy trì. Một số lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại trong 65 ngày nếu Iran vi phạm. Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ tiếp tục duy trì trong 5 năm, lệnh cấm mua công nghệ tên lửa còn hiệu lực trong 8 năm.