Về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều ĐB vẫn bày tỏ băn khoăn, nhất là nội dung liên quan tới quy hoạch xây dựng, bởi đây là vấn đề khó và phức tạp.
Cho rằng Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã được soạn thảo một cách công phu, kế thừa luật hiện hành và đảm bảo nguyên tắc quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng ĐB Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) vẫn đề nghị bổ sung thêm quy định về quy hoạch khu vực chức năng ngoài đô thị và nông thôn để làm cơ sở thực hiện việc đầu tư và đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vì Luật Quy hoạch Đô thị đã có hiệu lực từ năm 2009, nhưng một số nội dung trong quy hoạch chưa được đề cập đến.
ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) đề nghị Dự thảo Luật quy định trực tiếp, cụ thể vấn đề quy hoạch xây dựng vì hoạt động xây dựng cần được điều chỉnh ngay từ giai đoạn quy hoạch, đảm bảo định hướng, thống nhất trong phạm vi điều chỉnh của luật. Về đối tượng quy hoạch xây dựng, hiện dự thảo còn có sự chồng chéo, chưa phân định rõ ràng các đối tượng. Cụ thể, đối tượng quy hoạch tại khoản 1, Điều 13 và khoản 1, Điều 17 như vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế, vùng liên tỉnh, đô thị, nông thôn hiện quy định có sự chồng lấn, đan xen. Về lãnh thổ vùng, liên tỉnh, liên huyện có thể bao gồm cả vùng hành lang kinh tế liên tỉnh, khu chức năng đặc thù; vùng dọc tuyến đường cao tốc có thể bao gồm cả các xã, điểm dân cư nông thôn, làng xóm, xen kẽ phố phường.
Liên quan tới nội dung này, ĐB Nguyễn Minh Quang đánh giá, đây là quy định tương đối "mờ", chung chung, dễ bị lạm dụng trên thực tế. Việc thay đổi về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là yếu tố để điều chỉnh quy hoạch là hoàn toàn chính xác, nhưng sự thay đổi đó như thế nào, mức độ đến đâu thì Dự thảo Luật không đưa ra. Nếu quy định này áp dụng trên thực tế sẽ dẫn đến việc thường xuyên thay đổi quy hoạch, gây lãng phí cho ngân sách. Dự thảo cũng chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng. Theo ĐB Phạm Huy Hùng, quy định việc điều chỉnh quy hoạch, phân loại điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, nhưng cần quy định cụ thể hơn, tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, lãng phí, gây bức xúc trong dân. Quy hoạch phải có tầm chiến lược lâu dài. Ở nước ngoài có những quy hoạch hàng trăm năm sau vẫn được tiếp tục thực hiện. Đây là vấn đề rất lớn nhưng ta thực hiện chưa tốt, quy hoạch xong vẫn cứ điều chỉnh, xé nhỏ.
Quan ngại sự chồng chéo về quản lý quy hoạch, ĐB Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) có ý kiến, nên bỏ Chương 2 về quy hoạch xây dựng và đưa lồng ghép vào một chương của Luật Quy hoạch Đô thị. "Hoặc là tiến hành sửa đồng thời cả Luật Quy hoạch Đô thị thành Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Hoặc soạn thảo hẳn một bộ luật về quy hoạch để bao trùm tất cả vấn đề quy hoạch nhằm đảm bảo sự đồng bộ của quy định pháp luật" - ĐB Đào Văn Bình đưa ra giải pháp.
Băn khoăn về chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Luật Xây dựng được thực hiện từ năm 2003, nhưng đến nay, liệu đã có khu đô thị nào đạt yêu cầu (?). Ngay cả khu đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm cũng tồn tại nhiều vấn đề. Quy hoạch cần có sự bền vững, hiện đại nhưng vẫn phải thể hiện truyền thống văn hóa của đất nước. Nông thôn bây giờ mất hết cây đa, giếng nước rồi - ĐB Bùi Thị An nói. Về điều chỉnh quy hoạch, ĐB đề nghị, trừ những trường hợp đặc biệt, hãn hữu lắm mới cho điều chỉnh quy hoạch.
Do chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng khiến việc xử lý các vi phạm trên thực tế rất khó khăn.
|
Quy định thời gian điều chỉnh quy hoạch là 3 năm như dự luật là quá ngắn, chỉ làm khổ dân, dẫn đến tình trạng "chạy" quy hoạch, khiếu kiện. Nên quy định trên 5 năm đối với các đồ án chi tiết và 10 năm đối với đồ án phân khu. Điều kiện điều chỉnh quy hoạch cũng cần quy định cụ thể, nếu chung chung sẽ bị lạm dụng. Đặc biệt, cần làm rõ khái niệm "xây dựng tạm" (một số địa phương cho phép xây 3 tầng) ở khu vực quy hoạch thì sẽ đẩy khó về cho người dân. Bởi để xây công trình như vậy, dân phải bỏ ra số tiền không nhỏ. ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) |