Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị hóa nông thôn: Không thể "vỏ" phố "hồn" làng

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa (ĐTH) trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 do Bộ Xây dựng soạn thảo.

Cùng tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND của hai địa phương là Hà Nội và Lâm Đồng - các địa phương có tốc độ ĐTH nhanh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, dân số đô thị chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn khi mà số lượng đô thị nhỏ và điểm dân cư tập trung trên địa bàn cấp huyện chỉ là 1,157 đô thị/huyện. Thêm vào đó, tỷ lệ ĐTH chung của cả nước năm 2014 đạt 33,4%, nhưng tỷ lệ này trên địa bàn cấp huyện đạt 11,10% (không bao gồm Hà Nội, TPHCM, các thành phố, các thị xã).
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020. 
Vẫn theo bà Mỹ Linh, hệ thống điểm dân cư nông thôn hiện nay được phát triển tự phát, cơ bản mang đặc điểm phù hợp với nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ, chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Do vậy, quan điểm của Đề án này là xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Đề án sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phải phù hợp với định hướng ĐTH, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Mục tiêu của Đề án là hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất phi nông nghiệp. Lộ trình cụ thể: Giai đoạn 1 (2017-2020) triển khai thí điểm tại 8 huyện, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá; giai đoạn 2 (sau 2020), triển khai nhân rộng tại các tỉnh, thành phố với số lượng dự kiến khoảng 600 điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.
Xã thành phường, nhưng phố vẫn trong làng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, gắn kết xây dựng NTM với ĐTH và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương của Đảng và được thể hiện tại văn kiện Đại hội Đảng XII, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng NTM.
Nhìn ở góc độ phát triển hạ tầng, Phó Thủ tướng nêu thực trạng có vùng nông thôn “sau một đêm thành quận, phường” như huyện Từ Liêm của Hà Nội nhưng hạ tầng đường xá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội,…
“Hay như với thành phố Đà Lạt, nếu xây dựng NTM ở 1 xã ngoại thành và sau này được quy hoạch thuộc thành phố thì từ ngay bây giờ phải tính xem xây dựng quy hoạch kiểu gì, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng nông thôn, nông nghiệp, vừa để nâng chất lượng dịch vụ cuộc sống như của người dân thành thị?”, Phó Thủ tướng nêu một vấn đề cụ thể.
Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết nhiều xã thành phường, nhưng vẫn làm nghề nông là chính, chưa phát triển được nền kinh tế nông nghiệp.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn: “Tên gọi của Đề án là thế, nhưng nội hàm phải thể hiện được quan điểm của Đảng là xây dựng NTM, phát triển nông thôn gắn với quá trình ĐTH, công nghiệp hóa và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đô thị hóa ở đây không chỉ là các thiết chế về phần “cứng”- kết cấu hạ tầng giao thông mà cả thiết chế “mềm” về sản xuất”.
Từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Hà Nội có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng”.
Ông Sửu cũng chỉ ra có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai; là cư dân đô thị nhưng vẫn “ngóng tiếng sấm” để chăm vụ lúa chiêm để cho thấy quá trình xây dựng NTM gắn với ĐTH, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chưa sâu. “Nhiều xã, phường đã phải làm lại quy hoạch”, ông Sửu nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết địa phương này cũng “tỉnh ngộ” khi làm quy hoạch phát triển Đà Lạt đã phải điều chỉnh các quy hoạch của các xã sẽ sáp nhập vào thành phố này để lập nên mô hình “làng đô thị xanh”.
Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đồng tình với quan điểm ĐTH khu vực nông thôn phải hướng tới “đô thị xanh”, có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chứ không thể hiểu đơn thuần là nhà cửa, phố xá tấp nập. “Nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với con cháu đời sau”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái bày tỏ.
Lãnh đạo các bộ cũng cho rằng mỗi địa phương, vùng miền có đặc điểm tự nhiên và sản xuất khác nhau nên Đề án cần triển khai thí điểm để tìm ra các hình mẫu phù hợp cho mỗi vùng.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Đề án cần định hướng các giải pháp xây dựng NTM gắn với ĐTH của giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn NTM với ĐTH trên địa bàn cấp huyện hay tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ căn cứ để xây dựng Đề án dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và các tư tưởng chính của dự án Luật Quy hoạch mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận.
Về mục tiêu của Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng phải đưa ra tầm nhìn xây dựng NTM theo hướng đô thị hài  hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa chứ không phải để tạo ra một khuôn mẫu NTM duy nhất. Nguyên tắc thực hiện là theo thị trường, phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương.
Từ mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xác định được khung khổ về quy hoạch phát triển cho NTM trong quá trình ĐTH ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; đặt ra tỷ lệ % hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo hướng này,… Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong các lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện.