Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị hóa phá vỡ văn hóa truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thì nguy cơ quên tổ tiên, dòng họ và...

Kinhtedothi - “Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thì nguy cơ quên tổ tiên, dòng họ và sự gắn bó tình cảm gia đình ngày càng tăng” - GS Mạc Đường - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định như vậy tại cuộc bàn tròn “Văn hóa gia đình dòng họ và gia phả Việt Nam” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây.

Các giá trị đang bị xói mòn

Sự phát triển của xã hội hiện đại phần nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong truyền thống. Đó là tình trạng ly hôn, ly thân, sống vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Mâu thuẫn giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng đến mức báo động. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống của người Việt Nam lại đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Trong khi đó, nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.
Theo GS Mạc Đường, các hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay một phần do chúng ta đang xem nhẹ vai trò giáo dục truyền thống văn hóa của gia đình và dòng họ đối với lớp trẻ. Nếu như mỗi gia đình và dòng họ không có những tiêu chí rõ ràng về đạo đức, về thờ cúng tổ tiên và nhớ đến tình cảm ông bà cha mẹ thì văn hóa của cả một quốc gia dân tộc đang bị xâm lấn nghiêm trọng. TS Ngô Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Vấn đề làm thế nào bảo vệ và phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc có gốc rễ là phát huy được truyền thống gia đình, dòng họ.

Nhiều cách giáo dục truyền thống
 “Gia đình là hạt nhân của xã hội, nếu văn hóa gia đình được bồi đắp bằng một mạch nguồn tốt thì nền văn hóa của quốc gia mới vững bền. Mà dấu nối giữa văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc chính là truyền thống của văn hóa dòng họ”.
GS.TS Ngô Văn Lệ.

Nhiều gia đình và dòng họ đã tìm cách giáo dục cho con cháu truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình bằng các hình thức riêng. Ví như nhân ngày giỗ Tổ hay Tế họ, nhiều dòng họ đã tổ chức tuyên dương cho con cháu có thành tích học tập tốt và nhân đó nhắc nhở công lao và thành tích của thế hệ đi trước. Nhiều gia đình ở TP thì hàng năm, nhân ngày giỗ Tết đã thu xếp đưa con cái về quê để chúng biết và không quên cội nguồn của mình. Anh Lê Doãn Phú (quê ở Thanh Hóa, sống tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhiều năm dịp Tết không về quê được, vì vậy để giáo dục truyền thống văn hóa của dòng họ và gia đình, Tết đến, anh tổ chức gói bánh chưng, làm mâm cỗ cúng gia tiên như ở quê để con mình biết được nguồn cội của gia đình và dòng họ. Song, PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên cho rằng, tất cả các gia đình và dòng họ đều được hình thành và phát triển theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Để giáo dục cho các thế hệ con cháu biết và hiểu được văn hóa của gia đình và dòng họ mình thì đừng bóc tách các bậc danh nhân trong dòng  họ ra khỏi dòng chảy của lịch sử dân tộc.