Lãnh đạo các nước đã tham gia cuộc diễu hành lịch sử đến Cung Thống nhất (Gedung Merdeka), qua đó tái hiện “Cuộc đi bộ Bandung” 60 năm trước. Cuộc diễu hành lịch sử lần này có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các nước Á – Phi, vừa thể hiện sự bất diệt của tinh thần Bangdung, vừa cho thấy sự lớn mạnh và đoàn kết của cộng đồng các nước đang phát triển Á – Phi trong một thế giới đang có nhiều biến đổi sâu sắc. Năm 1955, “Cuộc đi bộ Bangdung” đã được các vị lãnh đạo của các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần đầu tiên thực hiện, trong đó có Tổng thống Indonesia Sukarno, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Ấn Độ Neru…
Tại Lễ Kỷ niệm tổ chức tại Cung Thống nhất, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có bài phát biểu nêu bật ý nghĩa của Hội nghị Bandung 1955, những giá trị trường tồn của tinh thần Bandung, nhấn mạnh 10 nguyên tắc Bandung vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới hiện nay, và hơn lúc nào hết, các nguyên tắc này cần được tôn trọng, cộng đồng Á – Phi cần phải đoàn kết và hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và vì một thế giới công bằng hơn. Đại diện của hai châu lục Á – Phi và các quan sát viên cũng đã có các bài phát biểu ôn lại chặng đường 60 năm phát triển của cộng đồng Á – Phi, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải duy trì và phát huy tinh thần Bandung trong bối cảnh hiện nay, nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân các nước đang phát triển Á – Phi và cho toàn nhân loại.
Bên lề Hội nghị Á – Phi và Lễ Kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahleb, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Woo Yea, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisulith và Ngoại trưởng Maroc Mbarka Bouaida.
Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Joko Widodo, hai vị lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm thay đổi nguyên trạng, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng, sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
Lãnh đạo các nước tái hiện cuộc đi bộ Bandung 1955. Ảnh: China Daily
|