Doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải thiều

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phải đến giữa tháng 6 vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) mới vào mùa thu hoạch, nhưng trên thị trường đã tràn ngập điểm bán và giá vải thiều liên tục giảm.

 Mua bán vải thiều trên đường Hồ Tùng Mậu. Ảnh: Phạm Hùng 
Giá vải thiều giảm mạnh
Đầu tháng 5 khi mới bắt đầu bước vào vụ vải thiều năm nay, trên thị trường các chợ truyền thống của Hà Nội loại vải quả tròn, to, đẹp, vị ngọt sắc... giá bán lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg. Loại vải quả nhỏ, hơi dài và chua có giá bán ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này giá bán vải thiều đã giảm mạnh. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sáng 7/6, trên một số tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Xiển, đường Láng, Khương Trung… vải được đổ đống trên vỉa hè, trong các xe tải được bán với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa điểm bán.

Chị Nguyễn Huế, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Ngã Tư Sở cho biết, hiện giá vải đã giảm đáng kể, dao động ở mức 15.000 - 30.000 đồng/kg nếu vải ngọt, quả to tròn, đẹp, chất lượng tốt. Những quả hạt to, vị chua, sâu đầu được lọc riêng bán rẻ với giá chỉ từ 10.000 đồng/kg. Khoảng 7 - 10 ngày nữa vải thiều vào chính vụ thu hoạch, nếu những nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt chuẩn xuất khẩu vẫn có giá bán tốt. Những vùng khác vẫn trồng theo thói quen truyền thống thì dự báo giá bán sẽ còn xuống thấp hơn hiện nay.
Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán vải khẳng định đây là vải thiều ở Bắc Giang, do được mùa nên giá rẻ hơn mọi năm. Mặc dù những người kinh doanh khẳng định bán vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, các loại vải được rao bán có giá rẻ 8.000 đồng/kg hay 10.000 đồng/3kg chỉ là loại vải lai chín sớm, chất lượng không bằng vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn nên giá bán khá rẻ.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều tăng mạnh, cung vẫn cao hơn cầu, bởi thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng. Điều đó đòi hỏi các DN bán lẻ phải sớm có phương án hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, diện tích vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2018 giảm gần 1.000ha so với năm 2017 nhưng tổng sản lượng vụ vải năm nay đạt 150.000 - 180.000 tấn, tăng 90.000 tấn so với 2017. Tỉnh Hải Dương hiện đang duy trì 10.600ha vải, dự kiến sản lượng đạt khoảng 55.000 - 60.000 tấn, trong đó vải thiều đạt khoảng 35.000 tấn. Sản lượng tăng mạnh cũng sẽ áp lực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều vụ 2018, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Theo đó, ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện để DN xuất khẩu vải sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc..., qua đó hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đại diện các Sở Công Thương Bắc Giang, Hải Dương khẳng định, bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Anh, Mỹ, Pháp, Australia… thì việc tiêu thụ vải vẫn trông cậy vào thị trường nội địa. Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các DN bán lẻ đang quản lý các siêu thị Hapro, Co.opmart, Fivimart, Vinmart, Big C... cam kết thu mua, tiêu thụ vải thiều. Hiện siêu thị Big C cam kết tiêu thụ 600 - 1.000 tấn, Hapro ký hợp đồng xuất khẩu vải thiều sang Malaysia với số lượng lớn... Đồng thời từ 12 - 18/6 UBND tỉnh Hải Dương và Sở Công Thương Hà Nội phối hợp tổ chức “Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội”, siêu thị Big C cũng phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức “Tuần lễ vải thiều ở siêu thị Big C (Hà Nội) với thời gian dài hơn lần tổ chức trước.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu vải thiều đòi hỏi các địa phương tuyên truyền đến các DN, các đơn vị tiêu thụ chú trọng đến việc dán tem truy xuất nguồn gốc bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình thông quan.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga