Trong thời gian ở Việt Nam, Đoàn doanh nghiệp Belarus đã có buổi làm việc tại Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì, với sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Hoàng Dương (CANIFA), Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex)… Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, công ty Dệt kim Đông Xuân và một số cơ sở sản xuất khác. Đồng thời, Đoàn cũng tham dự “Hội chợ thời trang Việt Nam 2012” tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, dệt may là một trong những thế mạnh của Việt Nam, song thời gian qua hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Việc các doanh nghiệp Belarus chủ động sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác lần này cho thấy tiềm năng lớn để các doanh nghiệp nước ta có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang Belarus.
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus phát triển khá nhanh, với thương mại song phương 5 năm qua tăng 4,3 lần, lên mức 210,5 triệu USD vào năm 2011. 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Belarus đạt hơn 140,4 triệu USD. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của Việt Nam từ Belarus là phân kali (khoảng 80%), tiếp đến là phụ tùng ô tô, động cơ, máy kéo, sắt thép, săm lốp, thiết bị thu phát, vòng bi, sơn matit, ốc vít thép, ô tô tải, hóa chất... Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Belarus gồm: Thủy hải sản, đồ gỗ, gạo, hàng dệt may, cao su tự nhiên, giày dép, rau quả hộp, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, dược phẩm, máy tính...
Vừa qua, doanh nghiệp hai nước đã chủ động gặp gỡ và tìm kiếm bạn hàng thông qua các hội thảo, diễn đàn kinh tế - thương mại được tổ chức tại mỗi nước. Đối với Belarus, Việt Nam luôn là đối tác hữu nghị truyền thống, trong đó các doanh nghiệp Belarus mong muốn thông qua Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường khác của khu vực Đông Nam Á.