Doanh nghiệp cần gì Nhà nước hỗ trợ đó

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây cũng là quan điểm mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngày 22/11.

Sự hỗ trợ đó sẽ khuyến khích DN phát triển theo hướng bền vững.
Không dàn trải
Hầu hết ĐB Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNVVN, bởi có tới 520.000 DN, chưa kể 3,4 triệu hộ cá thể kinh doanh có thể “đổi áo” thành DN siêu nhỏ bất cứ lúc nào. Khối này mang lại 50% GDP, 30% ngân sách, 62% việc làm nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ, nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, theo một số ĐB, việc áp dụng cho tất cả các DN thành lập theo Luật DN là quá rộng, không đủ nguồn lực. ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, không thể hỗ trợ hết 520.000 DN vì nguồn lực Nhà nước có hạn, thực thi chính sách này sẽ rất khó. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lựa chọn tập trung ưu tiên cho nhóm tiềm năng, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. “Hiện các nội dung hỗ trợ cho DN tính khả thi không cao, cân đối các nguồn hỗ trợ cũng khó khả thi và tương đối là hình thức. Chúng ta phải thay đổi tư duy hỗ trợ “Nhà nước có gì hỗ trợ đó” thành “DN cần gì, hỗ trợ đó” thì DN mới thực sự phát triển” - ĐB Bình nêu quan điểm.

Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, vay vốn lãi suất thấp cho các DN đầu tư sản xuất. (Trong ảnh: Lắp ráp phụ tùng tại Công ty CP Cơ khí Tam Hợp, huyện Sóc Sơn).    Ảnh: Thanh Hải

Trước băn khoăn về nguồn lực để hỗ trợ của các ĐB, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam nêu quan điểm: “Không phải Nhà nước đưa tiền các DN để sản xuất, kinh doanh mà là tạo cơ chế để DN tham gia”. Bàn thêm về vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng cho rằng: DNVVN hiện nay không cần hỗ trợ nhiều về vốn mà cơ bản về vấn đề thủ tục, Nhà nước phải tạo niềm tin để đầu tư, thu hút dòng vốn xã hội. Còn nếu cứ để DN khó khăn, không tiếp cận được dự án, chính sách thì chúng ta không thể hỗ trợ được cho nhóm đối tượng DN.
Từ thực tế có nhiều DN mới khai sinh nhưng không lâu sau đã phải khai tử, ĐB Lê Văn Sỹ (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: Luật cần đưa ra các quy định cụ thể nhằm gắn trách nhiệm của các DN này, đặc biệt những người đứng đầu phải rất minh bạch về vấn đề hạch toán, đồng nhất báo cáo tài chính… Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, vay vốn hỗ trợ lãi suất của các DN.
Luật hóa là cần thiết
Giải trình thêm trước các ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, đây là Dự Luật hết sức quan trọng, phức tạp, bởi đối tượng DN này hiện nay chiếm 97% trong tổng số hơn 610.000 DN tại Việt Nam và thực trạng đang hết sức khó khăn trong việc tiếp cận về mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, đào tạo nhân lực… “Hiện tất cả văn bản pháp luật hiện nay đều nói đến DN nói chung mà không có một cái riêng cho DN nhỏ và vừa; đồng thời các cơ chế chính sách đều rời rạc, không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Vì vậy việc luật hóa những chủ trương, chính sách cho đối tượng DN này là rất cần thiết” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, nguyên tắc hỗ trợ là không vi phạm nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ. Hỗ trợ không phải hỗ trợ cái Nhà nước muốn, cái Nhà nước có mà là hỗ trợ cái DN cần. Đồng thời hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN. “Càng nhiều DN hưởng lợi từ dịch vụ công thì càng có lợi cho sự phát triển” - Bộ trưởng nêu quan điểm. Đồng thời cho biết, về tiêu chí xác định quy mô DN vừa hay nhỏ, ban soạn thảo đã phân tích, doanh thu thay đổi thường xuyên nhưng vốn và lao động rất khó thay đổi. Đây cũng là những tiêu chí mà quốc tế sử dụng để xác định quy mô DN. 
Cần quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chuyển giao công nghệ
Chiều 22/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Nhiều ĐB cho rằng, Dự Luật là cơ hội để đưa ra các chính sách nhằm phát triển khoa học công nghệ một cách cụ thể và có tính chất đột phá. Tuy nhiên, các quy định trong Dự Luật lại chưa thực sự mạnh mẽ, vẫn thiết kế theo hướng cũ là cho vay, cấp ngân sách để làm, có yếu tố thị trường nhưng rất ít. Vì vậy, phải định rõ cơ chế quản lý, tạo ra được kênh quản lý để Nhà nước mua sản phẩm, DN mua ý tưởng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ cấp đầu vào cho những sản phẩm Nhà nước ưu tiên thì mới khuyến khích được nghiên cứu. Đồng thời, các ĐB cũng bày tỏ lo ngại nếu các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ không chặt chẽ thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Do đó, Dự Luật lần này phải giải quyết được nguy cơ trên. Theo đó, phải có các điều khoản khẳng định nhập công nghệ tiên tiến, thực hiện tiền kiểm và quy định rõ ràng về quy trình, khi có dấu hiệu thực hiện chuyển giao công nghệ phải có sự tiền kiểm, thẩm định, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời phải có quy định về tiêu chuẩn thực hiện chuyển giao công nghệ trong các dự án FDI nhằm khắc phục tình trạng các dự án FDI chủ yếu ở lĩnh vực khai thác khoáng sản, công nghệ giá rẻ mà chưa chuyển giao công nghệ. 

Thông qua danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Ngày 22/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, với 243 ngành, nghề, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Riêng quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Luật cũng giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này.

Ngày 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Nghị quyết nêu rõ, thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việc thí điểm được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1/2/2017. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần