Đây là nhận xét của các chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ: Nhu cầu và giải pháp diễn ra chiều ngày 15/12/2016 tại TP Hồ Chí Minh. Hội thảo do Bộ Khoa học& Công nghệ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.Trước xu thế hội nhập sâu rộng cùng khu vực và thế giới của Việt Nam hiện nay, vai trò của quản trị công nghệ trong sản xuất kinh doanh rất lớn như: Bảo vệ được các hoạt động kinh doanh sẵn có, sẽ đảm bảo được vị trí cạnh tranh đang có của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp; Tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Thông qua việc các nhà quản trị nhận dạng được cơ hội thị trường và phát triển công nghệ, giúp cho doanh nghiệp quyết định được là nên duy trì hay thay đổi các hoạt động kinh doanh, công nghệ, sản phẩm hiện tại, mở rộng sản xuất, hay cần có công nghệ, sản phẩm mới.Theo TS Phan Quốc Nguyên - ĐHQG Hà Nội, quản trị công nghệ giúp doanh nghiệp đánh giá được một số vấn đề trong tương lai để hoạt động có hiệu quả. Dự báo về môi trường, những dự báo này cho thấy sự thay đổi trong tương lai gắn với sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội và giúp cho doanh nghiệp thấy được ai sẽ là đối thủ cạnh tranh trong vòng 5- 10 năm tới hoặc lâu hơn. Giảm rủi ro khi đưa ra quyết định, các dự án, nhất là các dự án đổi mới sáng tạo đều có thể gặp rủi ro và chứa đựng nhiều yếu tố không chắc chắn. Từ đó, quản trị công nghệ tốt có thể bảo đảm rằng các quyết định đưa ra đã qua một quá trình phân tích sáng suốt.“Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ năng lực của mình, bởi quản trị công nghệ tốt sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ về mình nhằm khắc phục các điểm yếu, nhằm phát huy các điểm mạnh” - TS Phan Quốc Nguyên cho biết thêm.Để các doanh nghiệp thấy rõ được vai trò của quản trị công nghệ là tiến trình liên kết các lĩnh vực khác nhau nhằm hoạch định, phát triển,thực hiện, giám sát và kiểm soát năng lực của mình. Từ đó, hình thành và thực thi các mục tiêu chiến lược phát triển cụ thể trong quá trình sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần phải hoạch định rõ mục tiêu quản trị công nghệ.TS Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Quản trị công nghệ giúp cho doanh nghiệp giành chiến thắng khi tung ra một sản phẩm mới hay một chiêu thức marketing mới nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện có; giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ năng lực của đối thủ và đi trước đối thủ một bước trong việc đổi mới công nghệ”.“Từ đó, doanh nghiệp có các quyết định chính xác mang tính chiến lược về tài chính và phân phối vốn cũng như có những quyết định khôn khéo và tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp và đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình” - Bà Phạm Thu Hằng nhân mạnh.Quản trị công nghệ của Chính phủ thường được chú trọng vào: Xây dựng chính sách và định ra cơ chế khuyến khích phát triển công nghệ; phát triển và nâng cao năng lực công nghệ thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo.Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ) được ra mắt ngày 16/6/2015, với số vốn 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, tài trợ các dự án của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp vay sẽ được triển khai vào năm 2017.Nguyễn Thị Phượng- Phó Giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, cho biết: “Đối tượng được Quỹ hỗ trợ và vốn đối ứng đó là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có dự án, đề tài, hoạt động cho đổi mới công nghệ. Trong đó, định hướng ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm quốc gia; doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thuộc 58 công nghệ cao và 114 sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của các Bộ ngành, khu vực, địa phương trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch,đề án đã được phê duyệt và doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới dựa trên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới”.
Có thể nói, nâng cao năng lực quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ đối với doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.