Doanh nghiệp cần trợ lực mạnh mẽ hơn

TS Vũ Tiến Lộc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần khẩn trương ban hành kịch bản mở cửa nền kinh tế, sớm ngày nào tốt cho DN ngày đó. Cùng với đó là các chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội mạnh mẽ hơn để trợ lực cho DN hồi phục sản xuất, kinh doanh.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty may 10. Ảnh: Thanh Hải
Áp lực đè lên doanh nghiệp
Cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Thứ nhất là giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của DN hiện tại. Thứ hai là siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được. Thứ ba, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Nếu DN có hợp đồng không để vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu được. Thứ tư, DN cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí đội lên rất lớn, đặc biệt là chi phí “3 tại chỗ”. Điều này dẫn tới thực trạng hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Nhiều DN hiện nay đang trong tình trạng kiệt quệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới nhưng có tới 90.000 DN bị rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới. Điều đáng nói, ngay cả các DN duy trì hoạt động tại chỗ được cũng chỉ hoạt động được 10 – 15% công suất, ít DN hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn.

Có thể nói rằng, cùng lúc DN phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng, chống dịch; áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ lụy về y tế, kinh tế khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. Cuộc khủng khoảng này, rất nhiều DN sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2022

Thực sự đáng mừng là mới đây Chính phủ và các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa lại nền kinh tế. Động thái này khiến nhiều người liên tưởng đến tên một bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Hầu hết đều tin rằng, tháng Mười là tháng “hồi sinh” của các DN. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh đã mở cửa từ 1/10.

Mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN, hay còn gọi là trợ hợp cho DN, để DN “thở” được. Các biện pháp mở cửa thị trường của Chính phủ trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã kiểm soát được dịch Covid-19 thực sự là tín hiệu vui để Việt Nam tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu dự trở lại của các DN. Tất nhiên, sự trở lại này vẫn còn vô vàn khó khăn đi kèm.

Đối với các DN xuất khẩu, một số DN đang tiếp tục sản xuất đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của các DN đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng chuyển đi nơi khác. Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả đối tác chiến lược và các nước canh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.
TS Vũ Tiến Lộc trao đổi tại tọa đàm trực tuyến ''Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch'' do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Ảnh: Thanh Hải
Từ nay đến cuối năm 2021 chúng ta mất khá nhiều cơ hội về đơn hàng xuất khẩu. Nhưng chúng ta cũng kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. Bởi, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng DN.

Một điều đáng quan tâm là hiện nay, rất nhiều lao động ở phía Nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các DN sản xuất phía Nam. Đăc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các DN phía Bắc, nhiều DN đang cũng đang thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để một lượng lớn người lao động “ly nông bất ly hương”, là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động.

Sớm ban hành kịch bản mở cửa nền kinh tế

Để phục hồi sản xuất, kinh doanh, vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN.

Thứ nhất là “Trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Kịch bản này cần khẩn trương được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, địa phương, cho người dân ngày đó.

Thứ hai là “Tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó khăn. Đặc biệt, bây giờ yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là DN kinh doanh nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Do đó, Chính phủ cần có thêm Quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.

Thứ ba là “Thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Thứ tư là cải cách “Thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực ASIAN. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế.

Thứ năm là “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Về phía các DN, cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì phải chuyển đổi số. Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là xã hội hóa DN. Đây là định hướng chiến lược mà DN cần tính đến. Giá trị của DN không chỉ đơn thuần là đánh giá về tài sản mà cần được đánh giá bằng đóng góp cho xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của DN. Như vậy có thể khẳng định, số hóa, xanh hóa và xã hội hóa là 3 việc rất quan trọng mà các DN phải hướng tới xây dựng để phát triển bền vững.
Đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới. Nội dung kỳ họp lần này có xem xét, quyết định một số dự án luật quan trọng, trong đó có nhiều dự án luật liên quan đến DN, cần có tiếng nói, ý kiến của doanh nhân. Các quyết sách lớn về kinh tế, xã hội sắp tới cần có đánh giá tác động đầy đủ của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt kinh tế - xã hội, nhất là đối với việc làm, sinh kế của người dân và hoạt động của DN…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam ngày 7/10
TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)