Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp chật vật tìm vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Cửa" tín dụng năm 2012 được dự báo là sẽ còn bị siết chặt, điều này khiến cho bài toán vốn của doanh nghiệp (DN) thời gian qua đã khó nay lại càng trở nên căng thẳng, bí bách hơn.

“Sức khỏe” DN bị hao hụt

Năm 2011, "sức khỏe" cộng đồng DN Việt Nam bị hao hụt nặng nề, bằng chứng là lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin gần 50.000 DN (chiếm 9%) phải đóng cửa trong 9 tháng đầu năm. Con số thực tế dự đoán có thể lên tới 30 - 35%, tức là gấp 3 - 4 lần con số công bố, song 9% số DN đóng cửa cũng tạm đủ để nói lên tính nghiêm trọng của tình hình. Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO lo ngại, từ nay tới sang năm nếu không có chính sách hỗ trợ về vốn cho DN thì tỷ lệ DN phải đóng cửa còn cao hơn nữa.

Từ góc độ DN, ông Phí Ngọc Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành nhìn nhận, 2012 sẽ là một năm vô cùng khó khăn với DN, đặc biệt với những DN nhỏ và vừa. Công ty Trung Thành đã phải lên phương án điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng xuống dưới 10% cho năm 2012. Chung cảnh ngộ này, Công ty Thép Vina Kyoei (VKS) của ông Đặng Huy Hiệp đã phải cắt giảm các chi phí và hạ các chỉ tiêu xuống để bảo đảm sản xuất. Ông Hiệp chia sẻ nhiều lúc công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất do nguyên vật liệu và các phụ tùng vẫn phải nhập từ nước ngoài. Trong năm 2011, VSK đã sản xuất gần 376 tấn thép, giảm hơn 7% so với năm 2010, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng giảm gần 15%. Theo ông Hiệp, với kết quả này, VKS tuy giữ được mức ổn định, nhưng hiệu quả thấp, hàng tồn kho khá cao.

Cũng trong năm qua, nhiều ngân hàng thú thực họ gặp nhiều phen lao đao vì biến động kinh tế, rất khó huy động vốn, việc một số ngân hàng yếu buộc phải sáp nhập trong năm tới là điều khó tránh. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, bối cảnh hiện nay buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn khi cho DN và người dân vay, sẽ phải đánh giá dòng tiền, thẩm định dự án kỹ lưỡng, chứ không có chuyện "thả gà ra đuổi" nên chắc chắn cơ hội tiếp cận vốn của DN trong năm tới sẽ tiếp tục bị hạn chế.

Chia sẻ tại hội thảo "Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012" diễn ra mới đây, ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa nhận định, ngân hàng đang ngày càng xa rời DN, trên thế giới các ngân hàng đổ dồn vốn cho Chính phủ các nước vay, trong nước các ngân hàng TMCP cũng "ngại" cho DN vay. Tình hình chung là như vậy nên vị chuyên gia này khuyên DN đừng trông chờ quá nhiều vào ngân hàng.

Đừng chỉ nhìn vào ngân hàng

TS Nguyễn Đại Lai cũng có chung quan điểm với ông Alan Phan khi cho rằng, việc tạo vốn cho sản xuất, kinh doanh không nhất thiết chỉ nhìn duy nhất vào các ngân hàng TMCP. Vốn còn được hình thành từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có một phần không nhỏ đang nằm trong chính giá cả hàng hoá và khâu tiêu thụ.

Người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại như ông Lương Văn Tự cũng khuyên DN phải nghiêm túc đánh giá lại khả năng phục hồi của thị trường thuộc lĩnh vực mình kinh doanh, thường xuyên cập nhật các yếu tố kinh tế vĩ mô của thế giới và trong nước tác động đến lĩnh vực mình kinh doanh từ đó điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Nhanh nhạy hơn, DN có thể huy động vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng, hoặc tận dụng dòng tiền từ những thay đổi của vốn lưu động (khấu hao, thuế), tiền khách hàng trả nợ, tiền ứng trước... Bên cạnh đó, còn có các giải pháp huy động vốn từ bên ngoài như đầu tư mua bán tài sản cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào công ty khác hay tiền vay, thuê mua tài chính, trả cổ tức... Một giải pháp nữa là thu hút quỹ đầu tư từ nước ngoài. Các quỹ này sẵn sàng "rót" vốn vào những DN thỏa mãn các nguyên tắc cơ bản như minh bạch và công khai đầy đủ mọi thông tin về tình hình hoạt động, có báo cáo tài chính được kiểm toán bằng một công ty kiểm toán quốc tế có uy tín, trình bày rõ kinh nghiệm quản lý, định giá được DN và định ra được thời gian rút vốn cho nhà đầu tư.

Trên thực tế có vô vàn cách để hút vốn, nhưng vốn có về với DN hay không còn phụ thuộc vào tư duy của DN, họ cần thay đổi không thể cứ thiếu vốn là chạy tới vay ngân hàng hay tìm đến “tín dụng đen” mà phải tự nghĩ cách xoay xở tự cứu mình trước khi chờ ngân hàng cứu.

"Để giải phóng nguồn hàng tồn đọng gây ách tắc vốn, DN phải biết chấp nhận hạ giá bán để thu hồi vốn; chấp nhận thu hẹp một số lĩnh vực do phát triển quá nóng, đẩy nhanh tiến độ bán hàng để tăng vòng quay vốn; giảm tối thiểu vay mượn lãi suất cao. Các DN sản xuất cần giảm nguyên liệu tồn kho, giảm hàng tồn kho bằng cách cải tiến và thay đổi phương thức bán hàng, phương thức giao nhận hàng".

Ông Lương Văn Tự Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO

"Đổi mới công nghệ, tiết kiệm tiêu hao năng lượng là giải pháp hữu hiệu đang được nhiều DN ngành thép áp dụng để hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã có DN ứng dụng thành công mô hình "Mỏ đốt tái sinh" cho lò nung can thép, nhờ vậy đã giảm tiêu hao nhiên liệu đến hơn 11%, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm được thị trường đánh giá cao".

Ông Phạm Chí Cường Chủ tịch Hiệp hội Thép VN