Tại lễ công bố Sách Trắng lần thứ 7 tổ chức chiều 1/12 tại Hà Nội, sự quan tâm của cộng đồng DN châu Âu được thể hiện rất rõ qua những chia sẻ đầy tâm huyết của đại diện các tiểu ban quan trọng như Tiểu ban Thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Thuế, Sở hữu trí tuệ…
Kỳ vọng của doanh nghiệp tăng mạnh
Với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và mong muốn đồng hành với sự phát triển và hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam, thông qua những kiến nghị trong Sách Trắng, EuroCham mong muốn, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ được cải thiện, tiếp tục là điểm đến của nhiều DN châu Âu.
Thực ra, trong các báo cáo được công bố trước đó, điển hình như khảo sát về Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) lần thứ 16 do EuroCham thực hiện, niềm tin vào triển vọng và kỳ vọng tương lai của các DN châu Âu tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Trong quý III/2014, chỉ số BCI đã tăng từ 66 lên 74 điểm, tiệm cận mức cao của những quý đầu tiên trong năm 2011. Sự thay đổi này là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi được thể hiện rõ tại chỉ số BCI quý IV/2013, với mức chỉ 50 điểm. Đại diện EuroCham nhận định, điểm BCI tăng đáng kể trong năm 2014 là do cộng đồng kinh doanh kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU - Việt Nam. Ngoài ra, với sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và tham gia vào nhiều FTA song phương, đa phương sẽ gia tăng thêm khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
Vẫn còn những quan ngại
Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải thiện môi trường đầu tư, Sách Trắng 2015 cho thấy, các DN châu Âu vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn khi hoạt động tại Việt Nam. Bà Nicola Connolly - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho rằng, để hướng đến những thành công trong dài hạn, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải đảm bảo thực hiện các cam kết thương mại hiện tại và tương lai một cách hiệu quả và nhất quán, đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
Xuyên suốt qua 21 chương của Sách Trắng, những quan ngại và khuyến nghị của DN châu Âu chủ yếu vẫn xoay quanh các “chuyện cũ” từng được đề cập ở các lần xuất bản lần trước như triển khai và thực thi khuôn khổ pháp lý; thuế; quyền sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, phần lớn DN châu Âu thể hiện sự quan ngại trong việc thiếu các văn bản hướng dẫn về cách áp dụng các điều khoản cụ thể mới về chống trốn thuế; cách xử lý thuế của các nhà thầu nước ngoài liên quan đến hoạt động phân phối chưa rõ ràng… Ông Thomas McClelland - chuyên gia tư vấn thuế của EuroCham tại Việt Nam khuyến nghị, để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan chức năng phải xem xét soạn thảo một định nghĩa đầy đủ hơn và kiểm tra xác định các giao dịch có khả năng bị lạm dụng.
Liên quan đến ATTP – vấn đề lớn không chỉ trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của thị trường đối với các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Việt Nam, ông Gabor Fruit – Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của EuroCham cho rằng, đã đến lúc phải thành lập một cơ quan ATTP được đặt dưới sự quản lý của một Bộ duy nhất. Trên thực tế, các cơ quan ATTP nằm rải rác tại các bộ, ngành khác nhau không chỉ gây khó cho các DN trong nước mà còn là rào cản cho các DN kinh doanh thực phẩm nước ngoài mong muốn đầu tư, làm ăn tại Việt Nam...
Với những khuyến nghị được đưa ra trong Sách Trắng lần này, hơn 850 DN là hội viên của EuroCham tại Việt Nam thể hiện mong muốn và sự quyết tâm cải thiện đồng hành cùng các cơ quan quản lý sở tại những khó khăn, vốn được coi là trở ngại của các DN nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam.
Lắp ráp xe máy Piaggio tại Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
|
Năm 2013, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng giá trị thương mại lên tới 24,2 tỷ USD; là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1.810 dự án FDI. |