Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp chưa làm hết trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng (NTD), Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức chương trình Tháng hành động vì NTD năm 2014 (từ ngày 1 - 31/3).

 Tuy nhiên, quá trình triển khai lại chưa đạt được hiệu quả cao do nhiều hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu của NTD…

“Thượng đế” rõ quyền lợi

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình "Hành động vì quyền NTD 2014" do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 23/7, nhiều ý kiến cho rằng, sau một tháng tổ chức Tháng hành động, nhìn chung nhận thức về quyền lợi của NTD đã có chuyển biến rõ nét.

Để NTD hiểu về quyền của mình, trong Tháng hành động vì NTD, các doanh nghiệp (DN) tham gia đã tổ chức 206 điểm bán hàng, cam kết thực hiện đúng 8 quyền lợi của NTD và tư vấn cho NTD biết về quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cho DN và NTD.
Nguồn Internet
Nguồn Internet
Không chỉ có vậy, UBND TP Hà Nội đã chọn Tổng đài 04.1081 là kênh giải đáp thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Trong thời gian tổ chức Tháng hành động vì NTD, tổng đài đã giải đáp gần 2.000 cuộc gọi về Chương trình "Hành động vì quyền NTD" và những khiếu nại của NTD trong quá trình mua sắm hàng hóa… qua đó đã dần đưa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vào cuộc sống.

Chỉ mang tính phong trào

Tuy có nhiều cố gắng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc tổ chức Chương trình "Hành động vì quyền NTD" còn nhiều lúng túng, chưa tạo nên một hiệu ứng lớn, góp phần thay đổi căn bản tâm lý của đông đảo NTD.

Mặc dù số điểm bán hàng trong Tháng hành động vì NTD đã tăng 50% so với lần tổ chức trước, nhưng chỉ có 85 DN tham gia, quá ít so với số lượng DN trên địa bàn TP. Không chỉ có vậy, những DN này chủ yếu hoạt động trong ngành thương mại, Tháng hành động chưa thu hút được nhiều DN trực tiếp sản xuất tham gia. DN bán lẻ chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các DN sản xuất nên quyền lợi của NTD chưa thực sự được bảo vệ ở mức cao. Bên cạnh đó, chương trình khuyến mại, giảm giá tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng không có nhu cầu cấp thiết trong đời sống hàng ngày… Điều đó cho thấy, DN tham gia chương trình mới chỉ dừng ở mức cung cấp những cái gì mình đang có mà không tìm hiểu thị trường và NTD cần gì để đáp ứng. Thực tế cho thấy, nhiều DN tham gia chương trình chủ yếu mang tính phong trào nên việc quảng bá, tuyên truyền chưa được chú trọng, vì vậy, mức độ lan tỏa của chương trình chưa thu được kết quả cao.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chương trình “Hành động vì quyền NTD” mới chỉ tập trung ở bề nổi với những chương trình khuyến mại, vận động NTD dùng hàng Việt Nam. Nếu những hoạt động này chỉ mang tính hình thức kéo dài từ năm này sang năm khác sẽ khiến NTD coi là những câu khẩu hiệu suông. Ông Phan Tiến Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình tổ chức, Sở Công Thương Hà Nội chưa nhận được sự phối hợp đồng bộ của một số tổ chức xã hội, chính quyền cơ sở nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa đúng với kế hoạch đề ra.

Để khắc phục những nhược điểm này, trong những lần tổ chức tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chú trọng thu hút DN sản xuất tham gia, đồng thời, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD.