Doanh nghiệp chuyển đổi chiến lược để vượt khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các thành phần kinh tế, song nhiều DN Việt đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu ngành hàng sang cung ứng khẩu trang, thiết bị y tế... Điều này vừa giúp DN vượt qua nguy cơ phá sản, giúp lao động ổn định việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại diện Ban tổ chức chương trình “Cùng Kinh tế & Đô thị chung tay phòng, chống dịch Covid-19” tiếp nhận quà ủng hộ của Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và CLB áo dài. Ảnh: Hoàng Anh
Năng động vượt khó
Thời gian qua, nhiều DN như May 10, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Hanosimex, Đức Giang… đã chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong nước cũng như đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Là DN tiên phong trong chuyển đổi, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho biết, do gặp khó trong xuất, nhập khẩu, DN đã chủ động sản xuất khẩu trang cung cấp ra thị trường, phần nào tạo việc làm cho người lao động, giảm gánh nặng chi phí. "Sản xuất khẩu trang là việc chẳng đừng vì không thể so với giá trị sản xuất may mặc. Tuy nhiên, chúng tôi phải chuyển đổi để thích ứng và lo công ăn, việc làm có 12.000 công nhân lao động" - ông Việt chia sẻ.
Không chỉ các DN lớn, nhiều DN nhỏ và vừa (NVV) cũng điều chỉnh sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19. Giám đốc Công ty TNHH Handy Design Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, DN đã chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm phục vụ việc chống dịch và bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, túi than hoạt tính nhằm có doanh thu duy trì DN. Ngoài ra, DN cũng có sự chuyển đổi nhân công từ làm công nhật sang làm tại nhà và hưởng lương theo sản phẩm nhằm hạn chế đi lại và tiếp xúc...
Trong khi theo Giám đốc Công ty CP iloveaodai.com Trần Thị Lương, do ảnh hưởng của dịch, các đơn hàng của chúng tôi bị giảm mạnh. Bên cạnh việc duy trì sản xuất, DN huy động nhân công cùng may hơn 1.500 chiếc khẩu trang để đi từ thiện. Ngoài ra, DN cũng đang thử nghiệm sản xuất sản phẩm kính chống giọt bắn, và hiện tại đang làm việc với đối tác để sản xuất 10.000 sản phẩm. Về mô hình sản xuất, công ty hợp tác thuê nhân công bên ngoài hưởng lương theo sản phẩm để giảm tải chi phí và linh động tùy từng giai đoạn, nhất là ưu tiên kênh online nhiều hơn.
Đồng bộ các giải pháp
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong tháng 2 và 3, các đơn vị thành viên đã phát triển 2 dòng khẩu trang vải phòng dịch, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tính đến ngày 15/4, đã cung ứng ra thị trường 80 triệu chiếc. Hiện, Vinatex đã tổ chức năng lực sản xuất để nâng công suất lên 100 triệu khẩu trang/tháng, phục vụ phòng chống dịch trong nước và nước ngoài. Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu thông tin, mới đây, Tập đoàn đã ra mắt khẩu trang vải kháng giọt bắn mang thương hiệu: “Kháng khuẩn 3 lớp Vinatex” và được bán lẻ tại 3 cửa hàng thuộc Tập đoàn với số lượng 100.000 chiếc/ngày có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đưa ra lời khuyên với các DN, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định, một trong những cách để DN ngành bám trụ là sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, quần áo phòng dịch, quần áo dành cho bệnh viện và y bác sĩ. Những sản phẩm mới này vừa kịp thời phục vụ xã hội nhưng cũng là một phần nhỏ bù đắp thiếu hụt đơn hàng, cũng như có thể xuất khẩu.
Các DN nên thực hiện các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; trong đó tập trung giải quyết gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm phục vụ đơn hàng phòng dịch cho thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu. “Trên tinh thần không sa thải người lao động, nhưng giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, đoàn kết, chung tay của người lao động, cùng DN vượt qua thách thức đại dịch, DN tồn tại thì người lao động còn việc làm, còn nguồn sống. Tập trung cao độ bảo toàn sức khỏe người lao động trong lúc có dịch” - ông Trường nói.
May 10 đã chủ động phòng ngừa, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay May 10 vẫn bảo đảm an toàn cho cán bộ, người lao động. Đồng thời, DN cũng thực hiện chuyển đổi nhanh sang sản xuất khẩu trang để có được các đơn hàng tốt. DN phải tận dụng các cơ hội có thể để vượt lên khó khăn tự cứu mình trước, trong khi chờ Nhà nước hỗ trợ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Ngành dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 (riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng). Nếu tình hình kéo dài thêm, mỗi tháng ngành dệt may sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần