“Đặt hàng” về công nghệ Thẳng thắn đưa ra “đơn đặt hàng” với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, ông Phạm Xuân Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Dương cho biết, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện còn gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài do vướng hàng rào thuế quan bảo hộ của các nước. Ngoài ra, vì công nghệ còn lạc hậu nên nhiều sản phẩm do công ty sản xuất như đường, mạch nha, đường gluco, bún, miến… chưa thâm nhập được sâu vào các thị trường lớn. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu, giới thiệu công nghệ mới về cho DN Việt Nam học hỏi. Một là công nghệ sản xuất sữa gạo, sữa gạo là sản phẩm rất có giá trị nên chúng tôi muốn nhập công nghệ này để sản xuất. Hai là công nghệ “chiết xuất tới hạn” cũng rất mới hiện nay” – ông Đạt đề nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Nga – Tổng Thư ký Hội Doanh nhân nữ Hà Nội cho rằng: “Chúng ta có rất nhiều tiềm năng về nông sản nên mong các vị Đại sứ quan tâm giúp DN mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sang các thị trường như Hà Lan, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản… những thị trường Việt Nam đã ký FTA, TPP thì cơ hội xuất khẩu rất lớn”. Bà Nga lấy ví dụ về quả chuối xuất khẩu của Việt Nam rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, mỗi héc ta trồng chuối thu hoạch được 40 – 45 tấn thành phẩm, bán được với giá cao gấp 3 lần trong nước. Các DN mong Trưởng đại diện Việt Nam tìm hiểu và hỗ trợ để giúp DN học hỏi thêm kỹ thuật trồng chuối ở Philippines, vì đây là quốc gia có kỹ thuật trồng và xuất khẩu chuối quy mô lớn. Liên quan tới vấn đề tiếp thu, học hỏi công nghệ, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng: “Vào TPP thì chăn nuôi là ngành tổn thương đầu tiên, nguồn nguyên liệu thì thiếu thốn, do đó rất cần các Trưởng đại diện giới thiệu công nghệ chăn nuôi hiện đại để DN trong nước học hỏi, tiếp cận”. “Khơi thông” thị trường cho hàng Việt Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ trăn trở, nước ta là nước nông nghiệp nhưng lại vẫn phải đi nhập cỏ để nuôi bò sữa, nhập ngô khoai để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng tiền nhập thức ăn chăn nuôi năm 2015 là 5 tỷ USD, nguồn nhập từ Peru, Niu Ghi-nê… có nghĩa phải đi 1/2 vòng trái đất mới về tới Việt Nam. Quá trình nhập gặp rất nhiều rủi ro, giá cả cũng biến động có lúc lên 600 USD/1 tấn ngô dầu đậu tương, nhưng nay là 380 USD/tấn, trong khi đa phần DN vay nợ ngân hàng tới 80 - 90%, nếu gặp rủi ro là mất khả năng thanh toán. Do đó, ông Vang đề xuất các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần thông tin đầy đủ về thị trường để hạn chế rủi ro cho DN qua các kênh website của VCCI, các bộ, ngành… Vấn đề thị trường cũng được các DN thuộc Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre quan tâm đề cập tại cuộc gặp với các Trưởng đại diện. “Là xứ dừa, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm từ dừa như nước cốt dừa, dầu dừa tinh khiết, thảm, lưới dừa… Sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản… Tuy nhiên để gia tăng xuất khẩu, muốn đi xa hơn nữa thì các DN rất muốn tạo lập được mối quan hệ khăng khít với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để có kênh thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, tháo gỡ vướng mắc, đánh giá xu hướng, cơ hội để tư vấn cho DN” – đại diện Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre bày tỏ. Ghi nhận các ý kiến của DN và đại diện hiệp hội DN, ông Dương Chí Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) khẳng định “sẽ luôn hỗ trợ hết mình, làm tròn trách nhiệm đại sứ, trong đó có trách nhiệm làm cầu nối giữa DN Việt Nam và DN các nước sở tại”. Trên cơ sở nhu cầu, “đơn đặt hàng” của DN, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tìm hiểu, nắm bắt xu hướng, thông tin tại các địa bàn, thị trường để mở rộng cơ hội đầu tư cho DN trong nước, cơ hội xuất nhập khẩu cho hàng Việt…