Doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết khi AC thành lập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) sẽ tạo cho các DN Việt Nam thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết khi AC thành lập - Ảnh 1Tuy nhiên, các DN cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam mở cửa thị trường cho DN ASEAN tiêu thụ nội địa. Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị ngay sau khi Tuyên bố thành lập AC được ký thông qua.

Ngày 22/11, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã ký tuyên bố thành lập AC vào ngày 31/12/2015. Vậy AC sẽ tạo thuận lợi cho DN Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, thưa ông ?

- ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các DN Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 40 tỷ USD, đồng thời là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 2 cho các DN Việt Nam. Việc thành lập AC sẽ tạo ra cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời còn tạo điều kiện cho DN Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu bởi một số nước ASEAN ký hiệp định thương mại tự do với Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Bên cạnh đó, sau khi thành lập AC, các nước ASEAN phải đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế, điều này sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời thuế suất trong ASEAN sẽ chỉ còn từ 0 - 5% giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh những thuận lợi, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra những thách thức, khó khăn như thế nào đối với DN Việt Nam?

- Như tôi đã nói ở trên, sau khi AC thành lập sẽ tạo cơ hội cho DN hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng ở góc độ ngược lại thì các DN Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường nội địa vào tay các DN ASEAN khi phải mở cửa thị trường. Từ nhiều năm nay, hàng hóa của các nước trong khối ASEAN đã có mặt ở thị trường Việt Nam, gần đây một số DN bán lẻ Singapore, Thái Lan đã liên kết với DN Việt Nam trong việc xây dựng, khai thác mạng lưới siêu thị. Như vậy, sau khi AC thành lập, tới đây là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), DN bán lẻ trong nước sẽ đối mặt với việc DN các nước ASEAN đầu tư hệ thống siêu thị, qua đó tiêu thụ hàng hóa của nước họ.
Dây chuyền nước ép hoa quả của Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Việt Mỹ tại cụm CN Hapro, Gia Lâm.
Dây chuyền nước ép hoa quả của Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Việt Mỹ tại cụm CN Hapro, Gia Lâm.
Ngoài ra, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, đặc biệt là chính sách thương mại quốc tế. Vì vậy, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rào cản kỹ thuật như rào cản phi thuế quan, phi thương mại mà các đối tác thương mại dựng nên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Là DN chủ lực của ngành thương mại Hà Nội, trong thời gian tới, Hapro sẽ có những giải pháp nào để tận dụng thời cơ và khắc phục những thách thức mà AC mang lại cho DN Việt Nam?

- Mặc dù sẽ phải đối mặt với những thách thức mà AC mang lại nhưng trong thời gian tới Hapro tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN. Đồng thời thông qua các nước Singapore, Indonesia… đưa hàng hóa sang  thị trường các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với những quốc gia này. Nhằm giữ vững thị phần thị trường trong nước khi phải đối mặt với các dự án đầu tư, khai thác hệ thống bán lẻ từ các DN ASEAN, Hapro đẩy mạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời liên kết với DN ASEAN trong việc quảng bá đưa hàng Việt tiêu thụ tại nước ngoài và ngược lại.

Tuy nhiên, để làm được việc này Hapro nói riêng và DN Việt Nam nói chung cần phải liên kết với nhau, qua đó tăng sức mạnh cạnh tranh, tạo những cơ hội đầu tư với DN ASEAN khi AC chính thức được hình thành.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần