Doanh nghiệp "kêu cứu" Bộ trưởng Nông nghiệp vì "giấy thông hành" mới

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trình bày những bất cập lớn trong quy định về giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho các tài xế vận chuyển hàng hóa lưu thông qua các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

VASEP cho hay, theo phản ánh liên tục của các doanh nghiệp (DN) hội viên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong việc thực hiện quy định của các tỉnh, thành cũng như của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc các tài xế vận chuyển hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Việc này đang gây ùn tắc lớn tại lối vào nhiều tỉnh ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh nhất là với ngành hàng thủy sản (vận chuyển nguyên liệu tôm, cá, vận chuyển thành phẩm đông lạnh, thức ăn cho tôm cá…).
Một thực tế nữa là thời gian quy định hiệu lực của giấy xét nghiệm này phụ thuộc vào từng địa phương, một số địa phương cho phép có hiệu lực trong vòng 7 ngày, một số địa phương quy định 3 ngày, đặc biệt tỉnh Bạc Liêu quy định giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong vòng 24 giờ.
Việc không thống nhất giữa các địa phương đã gây ra nhiều khó khăn và ách tắc trong việc vận chuyển hàng hóa phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu khi mà tài xế, người vận chuyển có thể đến từ các tỉnh khác, thậm chí ở xa. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang còn quy định (áp dụng từ ngày 8/7) việc test phải bằng phương pháp RT - PCR.
Nhiều trường hợp tài xế khi đến trạm kiểm soát thì giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực và buộc phải quay về nơi cư trú để làm lại giấy xét nghiệm mới. Đây là bất cập rất lớn trong khâu kiểm soát và quy định thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2…
Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp. Ảnh: Giang Lam 
VASEP đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có ý kiến đề xuất gấp với Thủ tướng Chính phủ để có các chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời. Cụ thể: Thống nhất chỉ đạo, áp dụng đồng bộ giữa các bộ và các tỉnh, thành về thời gian cụ thể cho giấy xét nghiệm âm tính đối với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 7 ngày.
Thống nhất việc áp dụng thực hiện test nhanh thay vì test RT - PCR trong kiểm soát người từ nơi khác tới, bao gồm cả tài xế; thực hiện test nhanh tại các điểm kiểm soát đối với các giấy xét nghiệm hết hiệu lực trong vòng 24 giờ nhằm giải quyết nhanh, tránh gây ách tắc giao thông và chất lượng của hàng hóa vận chuyển.
Đưa nhóm tài xế xe vận chuyển hàng hóa vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine sớm nhất trong tháng 7/2021 ở tất cả các địa phương.
Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6/2021, VASEP đã có các công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VASEP đại diện cho các DN thủy sản thành viên được đăng ký mua 500.000 liều vaccine, toàn bộ chi phí do VASEP cùng các DN thành viên đóng góp.
Theo VASEP, toàn ngành thủy sản Việt Nam hiện có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500-3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000-10.000 người, mật độ lao động cao.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động thực sự đang là mối lo lớn. Khi một DN bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm…
“Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam. Hơn thế nữa, toàn bộ chuỗi từ nhà máy chế biến, người lao động làm việc tại nhà máy, người nuôi, ngư dân khai thác đều bị ngừng hoạt động liên hoàn” – VASEP cho biết.