Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp khổ vì mắc giải phóng mặt bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng nhà ở hồ An Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999 nhưng đến nay, dù bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để thực hiện

Dự án xây dựng nhà ở hồ An Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999 nhưng đến nay, dù bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để thực hiện, Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) vẫn không thể hoàn tất dự án theo quy định. Nguyên nhân của sự việc là do chủ đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Nhiều nhà dân vẫn đang ở và sử dụng trên đất dự án. Ảnh Hoàng Anh
Nhiều nhà dân vẫn đang ở và sử dụng trên đất dự án. Ảnh Hoàng Anh
Theo đơn phản ánh của ông Lê Quốc Khánh – Giám đốc Công ty IDC, ngày 4/6/1990, theo Quyết định số 2705/UB/XDCB của UBND TP Hà Nội cấp cho UBND quận Ba Đình (nay là quận Tây Hồ) được san lấp 8.400m² thuộc khu vực hồ An Dương xây dựng nhà để bán. Tại Hợp đồng kinh tế số 124/HĐ ngày 26/1/1992 giữa Ban quản lý các công trình xây dựng quận Ba Đình với Công ty Phát triển đầu tư xây dựng IDC (tiền thân của Công ty IDC) về việc san lấp hồ An Dương xây dựng nhà để bán, sau khi hoàn tất dự án đưa vào sử dụng, Công ty IDC có trách nhiệm chiết khấu 20% lợi nhuận cho UBND quận Ba Đình.

Thực tế, để thực hiện được Hợp đồng 124, về phía Công ty IDC đã đóng một phần kinh phí không hề nhỏ cho việc san lấp từ những năm 1989. Năm 1993, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng IDC đã chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH Xây dựng IDC để phù hợp với quy định của pháp luật. Từ việc chuyển đổi này nên phải làm lại Hợp đồng kinh tế số 124 để phù hợp với pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, vì thay đổi hợp đồng nên những khoản chi phí cho việc san lấp trước đó của Công ty IDC, phía UBND quận Ba Đình có trách nhiệm phải hoàn trả. Nhưng điều đáng nói ở đây, do số kinh phí mà phía Công ty IDC bỏ ra thời điểm đó quá lớn nên UBND quận Ba Đình đã chuyển toàn bộ dự án lên UBND TP Hà Nội xem xét và giải quyết.

Sau khi qua nhiều công đoạn, UBND TP Hà Nội đã trình toàn bộ hồ sơ dự án lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 28/9/1999, tại Điều 1, Quyết định số 914/QĐ-TTg (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty IDC sử dụng đất để xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) chỉ rõ: Thu hồi 13.970m² đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội trong đó bao gồm 8.400m² đất hiện do UBND quận Tây Hồ quản lý và 5.570m² đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng và giao cho Công ty IDC sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi trên để xây dựng khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh, văn phòng làm việc. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo nên khu dân cư với hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng đồng bộ, đảm bảo môi trường cảnh quan tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Để thực hiện Quyết định 914, phía Công ty IDC phải đảm bảo năng lực tài chính để mua lại đất tái định cư của TP Hà Nội cho người dân. Tại thời điểm đó, tuy khó khăn nhưng Công ty IDC vẫn huy động được vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, qua 2 lần đóng tiền (tổng cộng gần 7 tỷ đồng) cho việc san lấp và tiền sử dụng đất nhưng đến nay, dự án chậm được triển khai do vướng GPMB, gây thiệt hại cho Công ty IDC. “Điều này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong khi cổ đông liên tục yêu cầu sớm hoàn thành dự án để thu hồi vốn. Công ty đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong trường hợp dự án không thể triển khai tiếp, Công ty cũng rất mong được hoàn lại số tiền đã bỏ ra để thực hiện dự án” - ông Khánh nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên khu đất của dự án xây dựng nhà ở hồ An Dương hiện vẫn còn 77 hộ dân đang ở và sử dụng, phần diện tích còn lại bị bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường. Từ những kiến nghị của Công ty IDC, rất mong các cấp, các ngành có liên quan vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như hoàn tất dự án theo đúng quy định.