Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp không mặn mà sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi nguồn kinh phí tương đối lớn, nhưng lại gặp nhiều rủi ro cũng như khó khăn, bất cập.

Đây là những rào cản khiến khó thu hút được các DN đầu tư vào lĩnh vực đang rất “nóng” này.

Nhiều khó khăn bủa vây

Một vài năm trở lại đây, khi vấn đề ATTP nông, lâm, thủy sản ngày càng trở thành mối lo ngại của toàn xã hội, một bộ phận DN đã mạnh dạn thử sức ở địa hạt mới mẻ này. Bằng chứng là số DN, trong đó có cả những công ty, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn ngày một gia tăng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào đầu tư, nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bà Vũ Thị Vân Phượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại VietRAP cho hay, hiện nay, các tỉnh, TP chưa có kho bảo quản sản phẩm cũng như xe chuyên dụng nên khi đưa nông sản thực phẩm về Hà Nội bị hỏng nhiều. “Để đầu tư một nhà sơ chế với các thiết bị đóng gói mất từ 1 - 5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ kinh doanh nông sản thấp khiến cho hoạt động của DN gặp khó khăn” - bà Phượng cho hay.
Đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại VietRAP giới thiệu sản phẩm của đơn vị. Ảnh: Quang Thiện
Đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại VietRAP giới thiệu sản phẩm của đơn vị. Ảnh: Quang Thiện
Không những thế, việc đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như thế nào cũng là một bài toán không hề đơn giản đặt ra cho các DN. Bởi đa số mối liên kết giữa DN và nông dân hiện nay còn lỏng lẻo, chưa có hợp đồng ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên. Một khó khăn không nhỏ nữa khiến các DN chần chừ khi quyết định dốc vốn đầu tư là vùng nguyên liệu thiếu bền vững. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa lớn, ổn định.

Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội chia sẻ, ngoài việc kết nối vùng nguyên liệu sạch gặp khó khăn, trong chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay, việc tham gia giữa các DN còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm, DN chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Bởi vậy dẫn đến sản phẩm nông dân làm ra an toàn nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa tốt, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng không đảm bảo chất lượng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2016 tiếp tục được Bộ NN&PTNT cùng các địa phương lựa chọn là Năm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, và để xây dựng được các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, vai trò của các DN là rất lớn. Từ thực tế bất cập đang tồn tại hiện nay đòi hỏi cần phải có sự tháo gỡ nhanh chóng và kịp thời từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, sản xuất an toàn có giá thành cao nhưng lại phải cộng thêm thuế khiến sản phẩm phải chịu chi phí cao hơn. Do vậy, cần có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để khuyến khích sản xuất theo chuỗi sạch.

Cũng liên quan tới vấn đề thuế, phí và nguồn vốn đầu tư, nhiều DN đề xuất định giá tài sản trên đất, phân bón, đất đai, sản phẩm… làm căn cứ để DN vay vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có cơ chế chính sách khuyến khích DN sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, chẳng hạn xe ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong TP, hay miễn thuế thu nhập DN trong thời gian đầu. Ngoài ra, tăng cường sự liên kết giữa DN kinh doanh nông sản an toàn với các viện, trung tâm nghiên cứu để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Đặc biệt, chỉ có xã hội hóa các khâu trong chuỗi sản xuất thì sản phẩm mới đảm bảo an toàn do tạo lập được cơ chế giám sát chặt chẽ. Các DN tham gia càng nhiều thì trong quá trình hoạt động kinh doanh càng phải tự bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình để có thể trụ vững.