Kết quả này không chỉ tác động xấu đến việc hoàn thành mục tiêu XK năm 2012, các doanh nghiệp (DN) dệt may còn lo ngại về khả năng đơn hàng tiếp tục giảm trong năm 2013.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10.Ảnh: Trần Việt
Dù có khách hàng lâu năm từ EU, nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến những nhà XK dệt may Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng sang thị trường truyền thống này. Thực tế khó khăn kéo dài từ đầu năm 2012 tới nay, thậm chí mức độ sụt giảm còn có chiều hướng sâu hơn trong những tháng gần đây. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, một lý do khiến tình trạng này là cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia EU, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị trường nhập khẩu (NK) bị thu hẹp. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh nhằm tránh mức thuế NK 10% để tiết kiệm chi phí, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế suất NK 0%.
Cũng theo ông Hồng, DN quy mô nhỏ còn khó khăn hơn khi phải đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mà các nhà NK EU đang ngày càng siết chặt. Bên cạnh đó, khủng hoảng nợ công tại khu vực EU khiến đồng Euro mất giá liên tục, trong khi hàng dệt may Việt Nam xuất đi EU giao dịch bằng Euro nhưng đa số DN Việt phải thanh toán bằng USD khi NK nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Chính sự chênh lệch và thất thoát tỷ giá trong thanh toán khiến lợi nhuận của không ít DN XK dệt may bị sụt giảm mạnh.
Theo lãnh đạo Công ty may Thế Hoà, mỗi đơn hàng từ châu Âu của DN đã bị giảm đến 30 - 40% lượng sản phẩm. Nhiều DN còn phản ánh, khách hàng EU chẳng những không mặn mà khi ký hợp đồng mới còn "ép" để giá XK không cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí sản xuất tăng vì giá điện, nước, giá nhân công đều tăng.
Trong bối cảnh đó, để mục tiêu XK không bị ảnh hưởng, một cách mà các DN dệt may hiện nay cần quan tâm là thay vì ngồi chờ các nhà thương mại, nhà NK truyền thống, DN phải trực tiếp tìm gặp những khách hàng mới, cơ cấu lại thị trường XK, trong đó quan tâm nhiều hơn tới các khách hàng Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Theo ghi nhận tại các DN có đơn hàng XK vào thị trường Nhật, khách hàng tại đây đang đàm phán tăng năng lực sản xuất đơn hàng ở thị trường Việt Nam lên cao hơn. Đây được xem là cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam để có thể bù đắp khoảng thiếu hụt ở các thị trường khác.