Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp kiến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách hỗ trợ lãi suất của TP hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như May 10 mở rộng sản xuất. Ảnh: Đức Anh

Tại hội nghị "Phổ biến, hướng dẫn xử lý hồ sơ hỗ trợ lãi suất vốn vay theo quyết định của UBND TP Hà Nội" do Sở Công Thương tổ chức ngày 27/11, đại diện nhiều  doanh nghiệp (DN) đánh giá, các chính sách hỗ trợ vốn vay của TP có ý nghĩa rất thiết thực với DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, dù đã có không ít chính sách được ban hành, song nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được và nhu cầu được hỗ trợ còn rất lớn…

Giảm thời gian, tăng hiệu quả với “một cửa”

Sau khi triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sau đầu tư theo Quyết định 5487/QĐ - UB ngày 14/11/2011, đến tháng 4/2013, UBND TP tiếp tục ban hành Quyết định 2495/QĐ - UBND về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN TP năm 2013. Mới đây nhất, ngày 11/10/2013, UBND TP ra Quyết định 6125/QĐ - UBND về thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn để sản xuất kinh doanh năm 2013. Tại những quyết định này đều quy định rõ mức hỗ trợ lãi suất 0,2%/tháng tính trên số tiền vay. Hồ sơ DN đề nghị chỉ phải gửi duy nhất về một địa chỉ là Sở Tài chính thẩm tra, trình UBND TP phê duyệt.
 
Chính sách hỗ trợ lãi suất của TP hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như May 10 mở rộng sản xuất. Ảnh: Đức Anh
Kinhtedothi - Chính sách hỗ trợ lãi suất của TP hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như May 10 mở rộng sản xuất. Ảnh: Đức Anh

Hầu hết DN được hỏi đều cho rằng, thủ tục vay vốn tại các chính sách này không còn rườm rà mà đã đơn giản hơn nhiều so với trước. Điều kiện để được thụ hưởng hỗ trợ theo Quyết định 6125 cũng tương đối hợp lý, nhiều DN có thể đáp ứng. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho DN, cơ chế "một cửa" được thể hiện rõ khi thu gọn đầu mối tiếp nhận về Sở Tài chính. "Nếu như cách đây hơn một năm, để hoàn thiện một hồ sơ xin vay vốn hỗ trợ lãi suất, DN chúng tôi vẫn phải "chạy" đi nhiều sở, ban, ngành thì nay, với các xác nhận giấy tờ khác nhau về nghĩa vụ nộp thuế hay bảo hiểm xã hội… chúng tôi sẽ không còn phải chạy đôn đáo nhiều nơi" - Trưởng phòng Kế toán Công ty CP Kim khí Thăng Long Nguyễn Thị Hồng Vân phấn khởi cho biết.

Đề nghị hỗ trợ lãi suất  bằng ngoại tệ

Các chính sách về hỗ trợ lãi suất, thời gian qua TP đã cố gắng mở rộng ra nhiều đối tượng DN. Công ty CP Kim khí Thăng Long năm 2012 nhờ được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng lãi suất sau đầu tư nên cũng giảm được phần nào gánh nặng về tài chính. Bên cạnh đó, 5 DN khác cũng đã được thụ hưởng tổng cộng 6,8 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quyết định 5487/QĐ-UB ngày 14/11/2011.Mặc dù vậy, một số DN cho rằng các chính sách hỗ trợ lãi suất cần mở rộng đối tượng hơn nữa, nhất là với những đơn vị làm xuất khẩu cần vay nhiều vốn bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất  hiện nay mới chỉ thực hiện với các khoản vay bằng VND. Đại diện Công ty CP đá ốp lát cao cấp Vinaconex phản ánh, thực tế hiện nay vay bằng ngoại tệ rất khó khăn, rủi ro lớn, nên chính sách hỗ trợ cần mở rộng cho cả các đối tượng DN vay bằng USD và các ngoại tệ khác. Bên cạnh đó, đại diện Tổng Công ty CP May 10 chia sẻ, là DN ngành dệt may sử dụng nhiều lao động nhưng May 10 rất khó tuyển dụng lao động tại Hà Nội do đòi hỏi lương cao. Chính vì thế, May 10 phải mở rộng đầu tư ra các tỉnh để tuyển lao động tại địa phương. Thực tế, điều đó cũng giải quyết rất tốt cho an sinh xã hội, song với quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư chỉ quy định đối tượng thụ hưởng là DN có dự án trên địa bàn Hà Nội, nên rất thiệt thòi cho DN. Ngoài ra, Quyết định 6125 mới đây gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ là 31/12/2013, theo nhiều DN như vậy quá gấp bởi họ khó có thể làm xong các thủ tục với ngân hàng để có chứng từ nộp cho Sở Tài chính. Đại diện Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất đề nghị, UBND TP cần giãn thời hạn này để nhiều DN tiếp cận được chính sách.

Trước kiến nghị này, đại diện Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, trên cơ sở số dư tại ngân hàng, vào thời điểm đầu tháng 12/2013, DN đã dự kiến được mức lãi vay phải trả nên có thể đề xuất được mức vốn cần xin hỗ trợ lãi suất, từ đó cam kết để bổ sung hồ sơ chứng từ của phía ngân hàng. Những trường hợp đó đều sẽ được xem xét giải quyết, miễn là DN chấp hành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

 
Sở Công Thương đã đề xuất với UBND TP để sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp thực tiễn, tới đây sẽ tiếp tục kiến nghị mở rộng đối tượng cho các DN vay vốn bằng USD, DN có dự án đầu tư tại tỉnh ngoài...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đào Thu Vịnh