Nhưng hiện các DN làng nghề vừa thiếu mặt bằng sản xuất, điểm giới thiệu sản phẩm, vừa phải đối mặt với nhiều thách thức, sức cạnh tranh, chi phí đầu vào, công nghệ, mẫu mã… Xung quanh vấn đề này, các doanh nhân đã có những trao đổi thẳng thắn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội: Cần nhạc trưởng xây dựng chiến lược Tôi may mắn được gắn với các làng nghề của Hà Nội trong suốt 5 năm qua vì là Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Việt Phúc. DN chúng tôi chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng chuyên dụng cho khách sạn nên có dịp tiếp cận với các làng nghề. Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong kinh doanh, nhưng những mặt hàng thủ công như các lọ, bình, khay… được Công ty rất quan tâm vì đó là cách quảng bá khá hiệu quả cho sản phẩm làng nghề. Với vai trò của Hiệp hội, tôi kiến nghị TP họp lại với các nghệ nhân để cùng xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho làng nghề. Thời gian qua, TP cũng đã quan tâm đến sự bảo tồn phát triển, hỗ trợ cho làng nghề bằng rất nhiều hành động cụ thể như nghị quyết quy hoạch phát triển, đào tạo hỗ trợ cho làng nghề; Nghị quyết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch Thủ đô, mỗi làng nghề có một sản phẩm… Nhưng theo tôi, cần có một nhạc trưởng, một cơ quan chủ trì xác định rõ chiến lược phát triển làng nghề một cách lâu dài, bền vững. Đồng thời, mạnh dạn rà soát lại các làng nghề, những nghề nào có thể nhân rộng, đào tạo, phát huy, phát triển để sản phẩm làng nghề đi vào cuộc sống. Ông Lê Văn Nguyên - Chủ tịch Hội Thêu huyện Thường Tín: Mong có điểm giới thiệu sản phẩm Hội Thêu Thường Tín có hơn 100 hội viên, hoạt động từ nhiều năm nay. Hiện, khó khăn lớn nhất của nghề thêu là đầu ra cho sản phẩm. Bởi nghề thêu của huyện chưa có cụm, điểm dịch vụ công nghiệp dành để giới thiệu, tiếp đón khách tham quan, du lịch nhằm mục đích vừa bán hàng trực tiếp, vừa quảng bá cũng như tìm kiếm các đơn đặt hàng. Do đó, để phát triển bền vững nghề thêu của huyện Thường Tín và các nghề thủ công mỹ nghệ khác, rất mong TP, các cấp, các ngành quan tâm đến hạ tầng cơ sở, điều kiện để địa phương mở các điểm dịch vụ đón du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là việc vinh danh nghệ nhân, giúp đỡ cho những người thợ giỏi cũng cần được TP làm thường xuyên. Có nhiều người theo đuổi, tâm huyết, trách nhiệm truyền nghề cho thế hệ trẻ hiện đã cao tuổi, nếu không kịp thời sẽ bị thiệt thòi, mai một. Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ Làng nghề Hà Nội: Đừng để doanh nghiệp… lội theo chính sách Hà Nội là đất trăm nghề với số lượng làng nghề lớn, vì thế tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc của Thủ đô, của Việt Nam cũng chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước không phải đơn giản, dù các làng nghề đều mong muốn khai thác, muốn kể câu chuyện về tinh hoa, truyền thống của mình, nhưng bắt đầu kể từ đâu và liệu có hấp dẫn người nghe hay không? Hay chúng tôi muốn giới thiệu cái khéo tay, hay làm, sẽ phải tổ chức như thế nào…? Những điều này bên cạnh sự cố gắng của từng làng nghề cũng cần TP đồng hành. Thậm chí có những nhóm chuyên gia phối hợp cùng để các DN, cơ sở sản xuất thực hiện. Có như vậy thì các làng nghề sẽ phát triển, những tinh hoa làng nghề có thể đến được nhiều hơn với bạn bè quốc tế. Thời gian qua, cơ chế chính sách đã khá tốt, nhưng để đi vào thực tế là cả một chặng đường dài, và điều DN mong muốn là cơ chế, chính sách đừng “bay máy bay phản lực”, còn các DN nhỏ và vừa, đặc biệt trong làng nghề lại “lội nước” theo. Do vậy, cơ quan Nhà nước và DN cần gần nhau hơn, làm sao truyền tải cặn kẽ căn nguyên hơn, nghĩa là làm những chuyên đề sâu rộng, truyền thông tốt hơn. Lúc đó các DN mới thấm nhuần và hiểu được cơ chế chính sách cho gì, muốn gì ở DN để họ khai thác, vận dụng cho sự phát triển trong quá trình hội nhập. |
Ngày 9/6, tại Công ty CP Gốm Chu Đậu (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu” với sự tham gia của hội viên, hiệp hội làng nghề khu vực phía Bắc. Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ các hội viên, cơ sở sản xuất trong các làng nghề nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. |