Doanh nghiệp “lép vế” ngay trên sân nhà ​vì năng suất lao động thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia thấp hơn nhiều nước, nhưng xét từng ngành hàng thì năng suất của DN Việt không hề thua kém, song tại sao nhiều sản phẩm Việt Nam trong đó có dệt may vẫn “lép vế” ngay trên sân nhà?

Doanh nghiệp “lép vế” ngay trên sân nhà ​vì năng suất lao động thấp - Ảnh 1Có nhiều nguyên nhân, trong đó cách đào tạo đang có “nhiều vấn đề”. Đó là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương với báo Kinh tế & Đô thị bên lề Tọa đàm “NSLĐ - Giải pháp tăng trưởng” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 14/10.

Ông đánh giá thế nào về NSLĐ của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh đang phải cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường?

- Nếu tính riêng NSLĐ trong ngành dệt may thì DN đã đạt xấp xỉ nhiều nước trong khu vực, nhất là với những DN đầu tư chuyên môn hóa cao về sản phẩm, chắc chắn không hề thua kém. Tổng Công ty CP May Hưng Yên đang làm rất nhiều mặt hàng, có không ít DN từ Nhật Bản, Hàn Quốc sang nhà máy chúng tôi để xem làm cách nào có thể đạt bằng năng suất của May Hưng Yên. Nên có thể khẳng định, so về riêng từng ngành hàng, Việt Nam đâu có thua kém thế giới, mà NSLĐ quốc gia mới là vấn đề đáng lo.

Quan trọng còn do DN Việt không biết chọn mặt hàng. Trong khi nhiều DN nước ngoài chọn những mặt hàng một ngày có thể làm ra 40 USD, nhưng mặt hàng mà DN Việt đang làm có khi chỉ là 25 USD. Tức là, NSLĐ tính bằng USD thì ta đạt thấp, không phải tính trên đơn vị sản phẩm. Một nguyên nhân khiến sản phẩm dệt may cạnh tranh kém là do ngành đang phải nhập khẩu (NK) 60% nguyên phụ liệu, trong đó 40% từ Trung Quốc. Chúng ta mong, dù có phải NK thì cũng chỉ NK từ 11 nước trong TPP để vẫn được hưởng ưu đãi thuế. Nhưng làm thế nào để 11 nước này đáp ứng được nguyên phụ liệu cho ta, để DN dệt may có thể cung cấp được vải đáp ứng nhu cầu may mặc? Riêng DN không thể trả lời, mà phải chờ chính sách của Nhà nước.

Rất nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhiều lợi thế về vốn đang đầu tư vào Việt Nam, có phải do họ đào tạo cho công nhân tốt hơn nên có NSLĐ cao hơn DN trong nước?

- Tôi cho rằng, công tác đào tạo của họ không hẳn tốt hơn DN trong nước. Mấu chốt là vì họ chỉ tập trung làm một mặt hàng. Công ty Henbrand (Mỹ) đang đặt nhà máy tại Hưng Yên, họ chỉ cần nhờ trường ĐH Kỹ thuật Hưng Yên đào tạo một tuần về quy trình, sau đó họ đào tạo ngay trong dây chuyền của mình. Chỉ sau một tháng, họ đã đạt năng suất trung bình, và sau 3 tháng thì đạt tối đa. Một số tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất lớn nhưng chủ yếu tập trung vào mặt hàng chủ lực. Khi đã có thị trường và mặt hàng chuyên biệt, NSLĐ của họ sẽ rất tốt.

Trong khi đào tạo trong nước nhiều khi cần tới 3 năm cho một người thợ, nhưng khi vào thực tế vẫn phải đào tạo lại. Cách đào tạo của các trường đang “có vấn đề”. Chương trình đào tạo chưa sát nhu cầu thực tế. Các trường thường đào tạo để cho ra những người thợ toàn năng, trong khi giờ đây, sản xuất đang phải đi vào chuyên biệt: DN chuyên làm sơ mi thì phải đào tạo kỹ năng về sơ mi, hoặc chuyên làm dệt kim thì chỉ đào tạo về dệt kim thôi… Không thể bắt người thợ làm được mọi việc trong khi cả đời họ chỉ làm một việc.

Các trường nghề trong nước thường đào tạo để lấy bằng cấp, học viên sau 3 năm về làm việc được công nhận đạt trình độ tương đương bậc 4. Nhiều người lao động cứ ảo tưởng mình đã đạt bậc 4 rồi. Nhưng khi chúng tôi đi khảo sát trình độ đầu vào, nhiều người thợ không may nổi một chiếc sơ mi, như vậy không thể nói đã đạt bậc 4.

Vậy theo ông, để tăng NSLĐ, tăng sức cạnh tranh với DN FDI, DN trong nước nên có cách làm như thế nào?

- Muốn tăng NSLĐ, trước hết phải cải tiến cách đào tạo. Chúng tôi vừa xây dựng chương trình cho trường may của Tổng Công ty đào tạo theo đơn đặt hàng. Tức là đào tạo 1, 2 tháng rồi nâng cao cho từng kỹ năng riêng. Đây là hướng đi của nhiều trường may công nghiệp, DN cũng nên theo hướng đó để rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Như vậy mới mong có thể cùng một chiếc áo sơ mi, đối tác ký hợp đồng mua ở Trung Quốc với giá 1 đồng thì với Việt Nam, DN có thể yêu cầu 1,05 đồng hoặc hơn nữa thì mới ký… DN cố gắng đạt NSLĐ bằng hoặc cao hơn một số nước xung quanh thì mới vừa giữ được thị trường vừa tăng thu nhập cho người lao động.

Xin cảm ơn ông!
Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, theo tôi, nguyên nhân chính là do cơ quan đào tạo không theo nhu cầu của người sử dụng LĐ, trong khi lẽ ra phải như vậy. Một nơi cứ đào tạo, một nơi có sử dụng được hay không thì tùy - hai nơi này vẫn như tồn tại biệt lập ở hai thế giới, chưa ăn khớp với nhau. Cho nên, muốn cải cách toàn diện, triệt để giáo dục của Việt Nam thì vấn đề dạy nghề, trong đó dạy cho công nhân kỹ thuật là rất cấp bách.
Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn - Vũ Quang Thọ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần