Doanh nghiệp mong đầu ra cho thị trường hơn là được hỗ trợ thuế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/6, trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhận xét, trong nhiều trường hợp miễn giảm thuế là sự cần thiết, tuy nhiên phải rà soát tổng thể để miễn giảm hiệu quả, nuôi dưỡng nguồn thu đảm bảo tính công bằng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu cho biết, qua giám sát, có nhiều băn khoăn từ phía các địa phương. Miễn giảm thuế, hiện nay có tình trạng lồng ghép chính sách xã hội với chính sách thuế đôi khi sử dụng công cụ thuế để giải quyết các vấn đề mang tính xã hội và điều này mất tính chung lập của thuế, không phù hợp với quy định của quốc tế. Thứ hai, các quy định miễn giảm thuế chưa mang tính hệ thống, hiện nay ngoài những đạo luật về thuế miễn giảm thuế quy định trong luật Đất đai, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư… ảnh hưởng tới tính hệ thống của các quy định này. Trước thực trạng này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, sẽ phát sinh một số bất cập đó là miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động phần nào đến thu NSNN.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Dẫn số liệu từ ước tính của Chính phủ, cụ thể, giảm 1% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đồng nghĩa với việc giảm thu NSNN 6 nghìn tỷ đồng và tính riêng trong 2013 khi chúng ta thực hiện miễn giảm thuế TNDN đã giảm 2.080 tỷ đồng, 2014 là 2.500 tỷ và đó là chưa kể trong giai đoạn vừa qua từ 2008 đến nay áp dụng liên tục 6 Nghị quyết của Quốc hội về miễn giảm thuế có tác động phần nào tới thu ngân sách.
Theo vị đại biểu đến từ Ủy viên Thường trực Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội, miễn giảm thuế cũng góp phần giảm tỷ lệ động viên vào NSNN. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ giảm 26%, 2015 chỉ còn 23,8%. So sánh 2011 - 2015 tỷ lệ động viên từ thuế phí chỉ còn trên 20% và không đạt mục tiêu đề ra là 22 - 23%. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Thái Lan, Lào, Malaysia thì tỉ lệ của chúng ta thấp hơn rất nhiều như Lào là 23,4, Malaysia là trên 25%.

“Qua giám sát các địa phương thì chính sách miễn giảm thuế tác động phần nào tới ngân sách địa phương. Câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta tiếp tục chính sách miễn giảm thuế thì không đảm bảo thống nhất với chính sách vừa ban hành. Cụ thể là tại Nghị quyết 25 của Quốc hội, kế hoạch tài chính 5 năm cũng rất rõ là thu hẹp miễn các khoản thuế lồng ghép các chính sách xã hội, rà soát chính sách ưu đãi và như vậy việc ban hành chính sách và tổ chức cũng có khoảng cách nhất định”, đại biểu Mai phát biểu.

“Hệ lụy tiếp theo là chính sách miễn giảm thuế trong một số trường hợp tạo tâm lý giữa người được miễn giảm và đối tượng không được miễn giảm, trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng”- đại biểu Mai nói tiếp. Theo phóng sự điều tra gần đây, rất nhiều DN cho rằng vấn đề thuế không phải là vấn đề mấu chốt, cái họ kì vọng từ Chính phủ đó là Chính sách xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất, Khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận vốn, chứ thuế chưa phải là vấn vấn đề quan trọng nhất.

Trước đó, góp ý về dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận xét, quy định của Dự thảo thì Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng luật từ nay đến năm 2018 chưa đề cập đến sửa các luật về thuế liên quan. Điều đó đồng nghĩa với việc các chính sách miễn, giảm thuế chưa thể áp dụng từ ngày 1/1/2018. Vì vậy, đề nghị trong quá trình thể chế hóa chính sách bằng pháp luật cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.