Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ngành chăn nuôi: “Chậm lớn” vì cơ chế

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bất cập trong quy định về thủ tục đầu tư, tiếp cận chính sách tín dụng, kiểm dịch… đang trở thành rào cản khiến cho DN gặp nhiều khó khăn khi đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ.

Chưa thông thoáng

Trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi rớt giá kéo dài như hiện nay, việc thu hút DN đầu tư vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến theo hướng hiện đại, đảm bảo ATTP vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Kết quả khảo sát vừa công bố của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, thủ tục xin cấp phép đầu tư cho các vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung phải qua rất nhiều khâu, gây mất thời gian cho DN. Bên cạnh đó, sự không thống nhất và có quá nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh của cơ sở sản xuất, chế biến, bán buôn thực phẩm khiến cho DN khó khăn trong cập nhật và tuân thủ.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại Trang trại Xanh, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Quang Thiện

Đặc biệt, mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng cho xây dựng, mở rộng cơ sở giết mổ tập trung, nhưng việc tiếp cận của các DN vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Đào Quang Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh cho biết, toàn bộ hệ thống máy móc, cơ sở vật chất nhà máy giết mổ của Công ty trị giá trên 70 tỷ đồng nhưng khi tới ngân hàng vay vốn chỉ được định giá 16 tỷ đồng, nên số vốn vay còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Thịnh – Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng chia sẻ, cơ chế chính sách còn chồng chéo, nhiều chính sách ở T.Ư ban hành hay nhưng về địa phương không thực hiện được. Ví dụ như chính sách tín dụng, các chủ trang trại, HTX, DN đến ngân hàng vay vốn là “tắc” vì những yêu cầu khắt khe và không có tài sản thế chấp.

Ngoài ra, các DN còn gặp khó khăn, bất cập trong quy định về quản lý giết mổ trong chăn nuôi. Hiện nay, trong kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi quy định thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ làm tăng chi phí cho DN nhỏ, dẫn tới khó cạnh tranh. Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong quy định về tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ, chưa có tiêu chí đánh giá, kiểm soát việc công bố nhãn sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch gây bất bình đẳng giữa các DN.

Tích cực tháo gỡ

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình trạng khó khăn hiện nay chính là một cơ hội lớn để tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp gắn với thị trường. Muốn vậy, việc cởi trói về cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cá nhân tham gia đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, quy hoạch và thực hiện quy hoạch chăn nuôi phải cụ thể, hướng tới liên kết chuỗi, gắn với chế biến. Hơn nữa, đất trong quy hoạch phải được giao cho người chăn nuôi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. “Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào DN và các hiệp hội. Nếu làm được như vậy mới cởi trói được cho DN” – ông Tường chia sẻ.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn – chuyên gia của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cần tập trung một đầu mối cấp phép và đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư chăn nuôi, giết mổ tập trung đã nằm trong vùng quy hoạch. Đồng thời, rà soát lại chính sách và quy hoạch phát triển các khu giết mổ tập trung, giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo VSMT và ATTP. Đối với quy định về tiêu thụ, bà Nhàn cũng đề xuất cần thống nhất dựa trên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm được công bố như thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn…

Ngoài ra, hiện nay còn nhiều khoảng trống trong chính sách ảnh hưởng đến thương mại nông sản như chưa phân công trách nhiệm quản lý cụ thể đối tượng thu gom, thương lái trong kinh doanh ngành hàng thịt. Do đó, Nhà nước cần thống nhất phân cấp quản lý về ATTP và phân phối sản phẩm động vật. Cụ thể, sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương theo hướng phân công lại, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho DN.

Một DN sản xuất, kinh doanh hiện nay có quá nhiều đơn vị đến thanh tra, kiểm tra. Do đó, phải thay đổi cách nhìn, đánh giá lại mọi chính sách để tạo thuận lợi cho các DN phát triển.

Ông Phan Văn LụcTổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam